Các Bộ chưa quyết tâm?
Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ; các thành viên Chính phủ : “Tình hình thực hiện tái cơ cấu DNNN 6 tháng đầu năm 2016 và thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”. Nội dung về việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách ghi nhận:
Theo chương trình công tác năm 2016, các Bộ phải trình để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 23 Nghị định, Quyết định và Đề án thuộc lĩnh vực sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Trong đó, 6 tháng đầu năm phải trình 16 văn bản (Bộ kế hoạch và Đầu tư 6 văn bản, Bộ Tài chính 3 văn bản, Bộ Công Thương 4 văn bản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 văn bản, Bộ Giao thông vận tải 1 văn bản, Bộ Quốc phòng 1 văn bản). Tuy nhiên, đến hết ngày 28/6/2016 các Bộ đều chưa trình được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự thảo Nghị định, Quyết định và Đề án theo Chương trình công tác 6 tháng.
Phụ lục I của báo cáo này cho biết, Bộ Kế hoạch & đầu tư phải trình vào tháng 3/2016 “Đề án xây dựng khung phát lý về quản lý và giám sát các tập đoàn tài chính Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế”. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép rút văn bản này khỏi Chương trình Công tác.
Ngoài đề án này, Bộ KH & ĐT còn phải trình 6 văn bản khác vào thời gian 5-6/2016, nhưng đến 28/6/2016 vẫn chưa có bất cứ văn bản nào được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, bao gồm: “Quyết định của TTg CP về chính sách đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp”, “ Đề án rà soát, đánh giá môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các DN trong lĩnh vực dịch vụ và đề xuất các giải pháp thực hiện đến năm 2020”, hay “Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN”…
Bộ Công thương cũng có 3 (4-Pv) văn bản chưa trình CP; Thủ tướng CP là Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của 4 Tập đoàn: Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực VN, Tập đoàn Than – Khoáng sản VN, Tập đoàn Hóa Chất. Bên canh đó, Bộ QP cũng chưa trình Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Viễn thông quân đội; Bộ NN &PTNN , Bộ GTVT và Bộ Tài chính chưa trình Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Cty Lương thực miền Bắc , Tổng Cty Đường sắt Việt Nam và Công ty mẹ - Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại DN đang rất chậm
Cũng theo báo cáo này, đến ngày 28/6/2016, cả nước đã cổ phần hóa 38 DNNN (trong đó có 6 Tổng Cty nhà nước) và 2 đơn vị sự nghiệp công lập, bằng 71% so với cùng kỳ năm 2015. Theo báo cáo UBCKNN, từ ngày 1/1/2016-20/6/2016, có 46 DNNN bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở GDCK và các công ty chứng khoán với tổng số cổ phần chào bán là 563 triệu cổ phần, tổng giá trị 5.629 tỷ đồng. Kết quả đấu giá bán được 383 triệu cổ phần (đạt 68% tổng số cổ phần bán ra), thu về 5.418 tỷ đồng với 1.564 NĐT trong nước và 4 nhà đầu tư nước ngoài trúng giá.
Về thoái vốn nhà nước tại DN, việc thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại DN khác với tổng giá trị theo sổ sách là 871,6 tỷ đồng (bằng 11,6% so với cùng kỳ 2015), thu về 2.710 tỷ đồng, bằng 3,1 lần giá trị sổ sách.
Đánh giá chung, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh: Công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN 6 tháng đầu năm 2016 chậm so với cùng kỳ 2015, cổ phần hóa bằng 71%, thoái vốn bằng 11,6%. Việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về tái cơ cấu DNNN chưa được quan tâm, các Bộ chưa trình được Nghị định, Quyết định và Đề án nào theo Chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2016.
Trong hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2015, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo, xử lý nghiêm lãnh đạo chậm CPH với tinh thần “ doanh nghiệp nào không muốn CPH thì đứng sang một bên”.
“Đối với sự chậm trễ trong CPH vừa qua đã xử lý được trường hợp nào chưa? Tôi chưa nghe thấy xử lý được trường hợp nào cả. Nếu có đề nghị các bộ, ngành, địa phương nêu tên để đưa lên phương tiện thông tin đại chúng. Không xử lý sẽ nhờn, sẽ cho rằng không làm cũng không sao”, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nêu câu hỏi.