Đội ngũ CBCC đang “làm nhầm” việc
- Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng thư ký Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ nói: “Cải cách hành chính (CCHC) là một câu chuyện dài. Không phải chúng ta không có quyết tâm chính trị. Không phải chúng ta không triển khai làm. Vấn đề này được thể hiện rất rõ ở các Nghị quyết của Đảng. Ngay từ Đại hội Đảng VI (năm 1986), khi chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, chúng ta đã ý thức được là đi kèm với đổi mới kinh tế phải đổi mới bộ máy nhà nước. Chúng ta đã chỉ ra được đối tượng cần cải cách là thể chế hành chính, bộ máy hành chính và đội ngũ cán bộ công chức (CBCC).
Nghị quyết của Đảng cũng nêu 7 vấn đề rất cốt lõi của công cuộc cải cách như vấn đề “cởi trói” cho doanh nghiệp, vấn đề đầu tư, hội nhập quốc tế, vấn đề đất đai, hộ khẩu, hộ tịch… Tức là tất cả những vấn đề gì liên quan đến công dân thì đều đã được vạch ra. Bắt đầu từ năm 1994 công cuộc cải cách này được triển khai. Chúng ta đã xây dựng hẳn một dự án do ông Phan Ngọc Tường (lúc đó là Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ) làm Giám đốc Dự án. Mời cả chuyên gia nước ngoài tham gia. Chúng ta lấy cải cách thủ tục hành chính (TTHC) làm khâu đột phá.
Tôi là người theo từ đầu: từ xây dựng ý tưởng, thiết lập chương trình tổng thể có tính chiến lược, đến triển khai thực hiện, nhưng rất buồn là đến năm 2014 thì Thủ tướng vẫn còn tuyên bố cải cách TTHC là khâu đột phá. Như vậy là sau 30 năm đổi mới và 20 triển khai CCHC, mọi thứ lại bắt đầu làm lại từ đầu. Rồi thì chúng ta cũng đã đặt ra nhiệm vụ cải cách thể chế, hệ thống chính trị, hệ thống đoàn thể giai đoạn 2001-2010, sau 3 năm chuẩn bị khá công phu, có cả sự tham gia của LHQ, UNDP của các tổ chức quốc tế khác.
20 năm trước chúng ta đã ý thức được, đã triển khai, đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ, đã tham gia hội nhập sâu rộng: gia nhập ASEAN, vào WTO, bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Đó là những “thời cơ vàng” đột phá về CCHC để phù hợp với xu thế phát triển mới của thời đại. Tuy nhiên chúng ta đã không làm được bao nhiêu và làm rất chậm.
Công cuộc đổi mới thể chế, CCHC phải bắt đầu từ cấp cao, xác đinh được như vậy rồi, nhưng khi đi vào thực tế thì lại triển khai rất chậm, thậm chí là không triển khai được như vừa nói ở trên. Vì sao lại có chuyện như vậy, thưa ông?
- Khi chuyển từ một nhà nước quản lý vi mô (tức là cầm tay chỉ việc) sang quản lý vĩ mô (định hướng) thì đội ngũ CBCC phải biết làm đúng việc. Việc của Nhà nước là hoạch định chính sách, còn các việc khác là của người dân, của doanh nghiệp. Đằng này cái gì Nhà nước cũng nhúng tay vào. Cán bộ thì nay xuống vùng này, mai lên vùng kia. Chỗ nào cũng “trồng cây gì, nuôi con gì”. Một quan chức nước ngoài tham gia dự án CCHC từng hỏi tôi: “Các ngài làm gì mà bận thế? Suốt ngày thấy đi họp. Đáng ra các ngài phải làm chiến lược, tạo ra thị trường, tìm kiếm các mối quan hệ để tạo cơ hội cho doanh nhân họ làm ăn, thì các ngài lại đi mít tinh, festival, xuống địa phương cắt băng khởi công, khánh thành, trồng cây, phát động phong trào này kia”.
CBCC đang “làm nhầm” việc, làm không đúng việc của mình. Nhà nước đang làm thay dân, thay doanh nghiệp, thay cả thị trường. Đáng ra Nhà nước chỉ làm những gì mà người dân không thể làm được và không muốn làm thôi. “Anh” không biết sử dụng công cụ để quản lý, điều tiết và giám sát xã hội. “Công cụ” đó là thuế và kiểm toán. Ai nộp được thuế nhiều nhất là “anh” tôn vinh.
Cái này chúng tôi đã nói nhiều rồi. Khi xây dựng kế hoạch CCHC giai đoạn 2001-2010, trọng tâm của nó là Nhà nước, các bộ phải quay về với chức năng quản lý nhà nước, không “ôm” các doanh nghiệp. Bây giờ thì thế nào? Bộ của chúng ta bây giờ là bộ của các doanh nghiệp. Cứ loay hoay với những việc cụ thể như thế thì còn đâu thời gian mà nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển, tìm thị trường nữa.
Như vậy có thể nói, mô hình của chúng ta xây dựng chưa phù hợp, sử dụng các công cụ quản lý kinh tế, xã hội không đúng, chế độ trách nhiệm không rõ ràng, làm không đúng việc cần làm.
Nhiều cán bộ lãnh đạo thường than phiền là họp quá nhiều. Từng là “kiến trúc sư” của công cuộc CCHC của Chính phủ, ông có từng đề xuất loại bỏ bớt các cuộc họp?
- Tôi là người lên án rất mạnh vấn đề họp hành. Khi còn đương chức (Thứ trưởng Bộ Nội vụ- NV) tôi xếp tất cả các giấy mời họp vào một chỗ. Cuối năm đếm được hơn 400 cái. Đó là chưa kể mời bằng điện thoại, mời miệng. Nếu đi cả thì quanh năm chỉ có họp. Thế thì còn đâu thời gian mà tư duy, nghiên cứu cái gì nữa. Đó là lỗi rất lớn trong hệ thống của chúng ta.
Không ngân sách nào “kham” cho nổi
Lương của CBCC luôn là một vấn đề thời sự ở các diễn đàn lớn, thu hút sự quan tâm của không chỉ CBCC. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- Chủ trương cải cách cơ bản về lương công chức được đề cập từ hội nghị Trung ương 7 (khóa 8), chương trình cải cách hành chính Nhà nước cũng đặt ra vấn đề này.
Hiện nay, lương công chức còn quá nhiều bất cập. Công chức là những người được đào tạo bài bản, đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, sự tận tuỵ và đạo đức cao, đó là loại lao động quyền lực, nhưng lương của họ lại quá thấp.
Phải nói là thấp nhất khi so với lương của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhà nước. Lực lượng vũ trang được phụ cấp 1,8, giáo viên được phụ cấp 1,5 còn công chức chỉ được 1, như vậy chưa thật công bằng.
Nhìn vào lương của công chức hiện nay cũng không biết người đó là ai, khác với trước đây chuyên viên cấp 1, cấp 2 thể hiện qua lương rất rõ. Hệ thống tiền lương hiện nay cũng làm đảo lộn các giá trị thứ bậc của nền hành chính.
Công chức viên chức mức lương còn thấp như hiện nay mà trung bình hàng năm chi thường xuyên đã chiếm tới 68-69%, có năm lên tới 72% tổng chi ngân sách. Nếu tăng lương để cho CBCC đủ sống thì ngân sách nào chịu nổi, thưa ông?
- Thực ra thì đội ngũ công chức hiện nay cũng không phải quá nhiều. Nếu “lo” cho đội ngũ ngần ấy con người thì không khó, nhưng cái khó là đội ngũ viên chức, các đơn vị sự nghiệp của chúng ta quá đông, nhất là ngành giáo dục, y tế và một số ngành dịch vụ công khác.
Ngay từ những năm 2000, khi triển khai thực hiện CCHC chúng tôi đã đề nghị tách doanh nghiệp ra khỏi Nhà nước để hoạt động theo cơ chế thị trường và quản lý bằng Luật Doanh nghiệp. Còn khối viên chức thì cho họ tự chủ về hoạt động và tài chính. Ngành giáo dục có tính chất đặc biệt hơn, nên có thể giáo dục mầm non, tiểu học và Trung học cơ sở thì Nhà nước chịu trách nhiệm, còn từ Trung học phổ thông, hệ thống trường dạy nghề trở lên thì phải thu học phí. Chứ còn cứ để như hiện nay thì không ngân sách nào “kham” cho nổi.
Khi còn là Phó thủ tướng Chính phủ thì ông Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu trước Quốc hội là chỉ có 30% CBCC của Việt Nam là làm được việc. Vậy đối với 60% còn lại nên xử lý như thế nào, theo ông?
- Trước hết là rà soát lại toàn bộ đội ngũ CBCC. Mỗi cơ quan, tổ chức phải xác định cho được chức năng nhiệm vụ ổn định tương đối trong vòng 5 đến 10 năm. Từ chức năng nhiệm vụ này thì sản phẩm của của họ là gì. Với sản phẩm ấy thì cần bao nhiêu người và những trình độ gì. Từ đó mới xác định bộ phận đó cần bao nhiêu công chức cao cấp, bao nhiêu chuyên viên chính, bao nhiêu công chức thường và bao nhiêu người phục vụ. Khi ấy mới định biên được là cần bao nhiêu biên chế để sắp xếp, tuyển dụng cho phù hợp.
Mấy “ông Tây” sang tham gia làm dự án trong lĩnh vực CCHC, khi nghe ta báo cáo đơn vị này có 80%, đơn vị kia 90% cán bộ có trình độ đại học và trên đại học, rồi bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ…, họ bảo: “Sao các ông sử dụng chất xám lãng phí thế. Chính phủ của chúng tôi chỉ có 2 người là tiến sĩ thôi, không có một giáo sư nào cả”.
Một quốc gia lớn như Mỹ mà họ cũng chỉ có Tổng thống, một Phó tổng thống và nội các là các bộ trưởng. Chính phủ Đức cũng chỉ có Thủ tướng và nội các là các bộ trưởng. Tại sao họ ít lãnh đạo thế mà họ quản lý đất nước tốt thế? Bởi vì họ làm đúng việc của họ. Đó là mô hình Nhà nước nhỏ- xã hội lớn. Nhà nước chỉ làm những gì mà người dân không làm được và không muốn làm.
Các tổ chức đoàn thể hãy trở về với nhân dân
Thưa ông, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) có đưa ra con số là mỗi năm tổng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công vào khoảng 45-68 ngàn tỷ đồng. Làm thế nào để giảm con số này được?
- Khi xây dựng chiến lược CCHC giai đoạn 2001-2010, tôi có chủ trì một công trình về đổi mới MTTQ và các đoàn thể; trong đó đã có những đề nghị cần định vị lại vai trò của MTTQ và các đoàn thể. Trong điều kiện chưa giành được chính quyền thì Mặt trận và các đoàn thể tham gia cùng với Đảng giành chính quyền. Khi có chính quyền rồi thì tập trung xây dựng một nhà nước pháp quyền mạnh để quản trị đất nước. Còn lại các đoàn thể hãy trở về với nhân dân, như là các tổ chức xã hội dân sự: tự nguyện, tự chủ hoạt động, tự chủ về kinh phí.
Trước Đại hội Đảng IX tôi có viết một bài đăng trên Tạp chí Cộng sản “Các tổ chức đoàn thể hãy trở về với nhân dân”. Tức là không nhà nước hóa đoàn thể, không ăn lương như hiện nay nữa. Đây là những tổ chức có chức năng, vai trò mới. Đảng đòi hỏi những người đứng đầu các tổ chức này là “sắm vai” mới trong thời kỳ mới. Nếu còn cần thì chỉ giữ lại ở cấp trung ương thôi, còn địa phương thì để người dân tự quyết định, tự tổ chức và tự chịu trách nhiệm. Nhà nước nên lập ra một cái quỹ. Tổ chức nào làm thì đăng ký, Nhà nước sẽ “đặt hàng”.
Cho nên muốn giảm được thì phải làm tận gốc mới giảm được bộ máy, giảm được biên chế. Đó là những cái cần làm, còn nếu không làm được thì chả làm được cái gì nữa cả.
Xin cám ơn ông!