Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ông Chính cho biết, kỳ trước ông đã đề xuất tiết kiệm: nếu bộ máy tiết kiệm chi thường xuyên 2% trong năm nay thì ngân sách "dôi" ra 20.000 tỷ đồng. Hiện nay chi thường xuyên của bộ máy chiếm 65% tổng chi ngân sách Nhà nước, tăng 2,2 lần so với 5 năm trước. Đây là con số tăng rất lớn và tập trung chủ yếu chi lương và các khoản phụ cấp (chiếm 52,8%), còn lại là chi hành chính.
Theo ông, dự kiến chi thường xuyên trong cân đối ngân sách Nhà nước năm 2017 là gần 900.000 tỷ đồng, như vậy nếu tiết kiệm 1% trong số đó thì sẽ có 10.000 tỷ đồng, tiết kiệm 2% là 20.000 tỷ đồng, đủ tiền giải phóng mặt bằng, tái định cư để xây sân bay Long Thành. Và nếu tiết kiệm theo hướng này trong 5 năm sẽ đủ tiền khởi động giai đoạn một của Cảng hàng không quốc tế Long Thành (hơn 23.000 tỷ giải phóng mặt bằng và trên 120.000 tỷ xây dựng giai đoạn một).
"Tôi đề nghị phải có chính sách tiết kiệm, phải thắt lưng buộc bụng. Mà dư địa tiết kiệm trong chi thường xuyên là được, cộng với các nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế. Từ nay đến 2021 chúng ta giảm 10% biên chế trong số 4 triệu người ăn lương hiện nay".
Cũng trong sáng nay, Tân Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể đã trình Quốc hội dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo báo cáo, dự án này nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; cách TP HCM khoảng 40 km, cách thành phố Biên Hoà khoảng 30 km, gần đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 43 km.
Tổng diện tích thu hồi đất của dự án là hơn 5.500 ha. Đất của hộ gia đình cá nhân sử dụng gần 3.000 ha. Trong đó, khoảng hơn 4.700 hộ dân với 15.500 nhân khẩu bị thu hồi đất.
Qua khảo sát điều tra, xin ý kiến người dân bị thu hồi đất, 100% đều có nhu cầu nhận đất tái định cư. Theo quy hoạch, huyện Long Thành (Đồng Nai) sẽ có hai khu tái định cư là khu Lộc An - Bình Sơn và khu Bình Sơn.
Bộ GTVT cho biết tổng mức giải phóng mặt bằng cho dự án này hơn 23.000 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD). Trong đó, 18.000 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hơn 4.000 tỷ xây dựng khu tái định cư.
Ngoài ra, gần 480 tỷ đồng dùng để tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không và 388 tỷ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.
Theo tờ trình, nguồn vốn và cơ cấu vốn theo đề xuất của Chính phủ là ngân sách Trung ương gần 22.000 tỷ, chiếm 95% tổng mức đầu tư. Trung ương cũng ứng nốt hơn 1.100 tỷ đồng (chiếm 5%) còn lại, UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách theo quy định.