Triển khai IPv6 quyết định tương lai của Internet

VietTimes -- Khẳng định Việt Nam sẽ là thành viên tích cực của của cộng đồng Internet khu vực và thế giới, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: “Việt Nam mong muốn cộng đồng tích cực hơn nữa trong việc chuyển đổi sang sử dụng IPv6 trên phạm vi toàn cầu vì một lẽ đơn giản: triển khai IPv6 quyết định tương lai của Internet”.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm

Diễn đàn Công nghệ và Ứng dụng Internet khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Rim Conference on Operational Technologies - APRICOT) 2017 đã chính thức khai mạc chiều qua (27/2) tại TP.HCM, với sự tham dự của hơn 700 đại biểu đến từ 60 quốc gia trên thế giới, trong đó có khoảng 150 đại biểu từ cộng đồng Internet Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh, những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của CNTT và đặc biệt là Internet đã và đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của thế giới. Internet đã làm cho thế giới ngày càng gần gũi hơn, tăng cường sự hiểu biết, giao lưu và hợp tác giữa các dân tộc, các quốc gia trên thế giới.

“Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Internet là hạ tầng quan trọng trong quá trình kết nối kinh tế số của khu vực, tạo thêm nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy giao thương, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý nhà nước và qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là một trong những hạ tầng thiết yếu mà các quốc gia đều đang ưu tiên đầu tư và phát triển trong nền kinh tế tri thức”, Thứ trưởng nhận định.

Trải qua hơn 20 năm phát triển tại Việt Nam, Internet đã khẳng định sự phát triển bền vững, có tác động tích cực và đi vào mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội với tỷ lệ người sử dụng Internet tăng trưởng liên tục, ổn định qua mỗi năm cùng hạ tầng công CNTT và Internet được đầu tư phát triển cập nhật theo kịp xu hướng công nghệ thế giới, đảm bảo việc truy cập an toàn thông suốt, nhanh chóng và ổn định đến người sử dụng.

Triển khai IPv6 quyết định tương lai của Internet ảnh 1

Diễn đàn Công nghệ và Ứng dụng Internet khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, có sự tham gia của hơn 700 đại biểu đến từ 60 quốc gia trên thế giới. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

Đánh giá cao việc APRICOT chọn Việt Nam là nơi đăng cai tổ chức Diễn đàn APRICOT lần thứ 21, Thứ trưởng cho rằng, diễn đàn lần này diễn ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra cho các quốc gia những bài toán về đổi mới phương thức quản trị, thay đổi mô hình phát triển kinh tế và giải quyết các quan hệ xã hội để theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và Internet.

“Tôi tin tưởng rằng, với sự quy tụ của hơn 700 đại biểu từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, APRICOT 2017 sẽ là nơi để các chuyên gia hàng đầu Internet trên toàn thế giới thảo luận một cách toàn diện và sâu sắc về các chính sách, công nghệ, kỹ thuật và các giải pháp phát triển hạ tầng, mạng lưới của Internet cũng như đảm bảo sự an toàn của Internet nói chung, của cộng đồng và người dùng Internet nói riêng”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, cộng đồng người sử dụng Internet cũng đang đứng trước những thách thức toàn cầu. Một trong các vấn đề đó là sự cạn kiệt IPv4 và yêu cầu chuyển đổi sang sử dụng thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6.

Nhận thức về vấn đề này từ khá sớm, năm 2008, Việt Nam đã chính thức ban hành Chỉ thị về việc thúc đẩy sử dụng đia chỉ Internet thế hệ mới IPv6, khởi đầu cho việc thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv4-IPv6 tại Việt Nam. Trong năm 2016 vừa qua, công tác thúc đẩy phát triển IPv6 của Việt Nam đã đạt được những kết quả thực sự khởi sắc với khoảng 6% người sử dụng Internet Việt Nam có kết nối thông qua IPv6.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng bày tỏ sự tin tưởng APRICOT 2017 sẽ thực sự là diễn đàn mang lại nhiều cơ hội giao lưu học hỏi cho cộng đồng Internet trong nước trong lĩnh vực triển khai IPv6 nói riêng cũng như cơ hội phát triển kinh doanh, tiếp cận với nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực CNTT, Internet của thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với việc khẳng định Việt Nam sẽ là thành viên tích cực của cộng đồng Internet khu vực và thế giới vì một môi trường Internet phát triển đa dạng, ổn định và an toàn, đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết: “Việt Nam mong muốn cộng đồng tích cực hơn nữa trong việc chuyển đổi sang sử dụng IPv6 trên phạm vi toàn cầu vì một lẽ đơn giản: Triển khai IPv6 quyết định tương lai của Internet”.

Trong phiên khai mạc APRICOT 2017, Phó Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng đã trình bày tham luận chínhvề “20 năm phát triển Internet tại Việt Nam”. Tham luận nêu rõ, kể từ khi chính thức kết nối Internet vào năm 1997 với sự hạn chế về cơ sở hạ tầng, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển Internet cao nhất với tỉ lệ tăng trưởng đứng thứ 3 trong 20 nước có tỉ lệ tăng trưởng Internet cao nhất thế giới, tính từ năm 2000 đến năm 2016. Tổng số lượng người truy cập Internet hiện tại ở Việt Nam đã lên tới 50 triệu người, chiếm 60% dân số.

“Đặc biệt, trong năm 2016 Việt Nam đã đạt được khởi sắc đáng kể với kết quả 800.000 hộ gia đình được triển khai IPv6, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 2 Đông Nam Á trong việc triển khai IPv6, chỉ sau Malaysia”, ông Thắng cho biết.

APRICOT 2017 được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, sự phối hợp giữa Hiệp hội Internet châu Á - Thái Bình Dương (APIA),Trung tâm Thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Công ty cổ phần NetNam.

Diễn ra từ ngày 27/2 đến ngày 2/3/2017, dưới sự dẫn dắt và trình bày của những tên tuổi lớn ngành CNTT trên thế giới như Phillip Smith, Tim O’Reilly, Avi Freedman, Paul Wilson…, Diễn đàn APRICOT 2017 tập trung vào những chủ đề CNTt nổi bật như tương lai của Internet, triển khai IPv6, IoT, bảo mật thông tin, quản lý tài nguyên Internet…

Địa chỉ IPv6 (Internet protocol version 6) là thế hệ địa chỉ Internet phiên bản mới được thiết kế để thay thế cho phiên bản địa chỉ IPv4 trong hoạt động Internet. Địa chỉ IPv4 có chiều dài 32 bít, biểu diễn dưới dạng các cụm số thập phân phân cách bởi dấu chấm, ví dụ 203.119.9.0. IPv4 là phiên bản địa chỉ Internet đầu tiên, đồng hành với việc phát triển như vũ bão của hoạt động Internet trong hơn hai thập kỷ vừa qua. Với 32 bit chiều dài, không gian IPv4 gồm khoảng 4 tỉ địa chỉ cho hoạt động mạng toàn cầu.

Do sự phát triển như vũ bão của mạng và dịch vụ Internet, nguồn IPv4 dần cạn kiệt, đồng thời bộc lộ các hạn chế đối với việc phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại trên Internet. Phiên bản địa chỉ Internet mới IPv6 được thiết kế để thay thế cho phiên bản IPv4, với hai mục đích cơ bản:

  • Thay thế cho nguồn IPv4 cạn kiệt để tiếp nối hoạt động Internet.   
  • Khắc phục các nhược điểm trong thiết kế của địa chỉ IPv4.

Địa chỉ IPv6 có chiều dài 128 bít, biểu diễn dưới dạng các cụm số hexa phân cách bởi dấu ::, ví dụ 2001:0DC8::1005:2F43:0BCD:FFFF. Với 128 bít chiều dài, không gian địa chỉ IPv6 gồm 2128 địa chỉ, cung cấp một lượng địa chỉ khổng lồ cho hoạt động Internet.

Nguồn: Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC)