Đã biết, đã nói và đã làm
Thưa ông, chống tham nhũng là vấn đề đã được nói đến rất nhiều rồi. Bản thân ông cũng không ít lần đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn muốn đặt lại với ông một câu hỏi rất cũ, nhưng luôn mang tính thời sự: nếu nói theo ngôn ngữ của bộ Luật Hình sự “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” thì tình hình tham nhũng ở nước ta đang ở mức độ nào?
- Vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, Đảng ta đã nhìn ra rất sớm. Không phải chỉ đến khi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lên mới có nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) Khóa VIII đâu. Cũng không phải chỉ đến khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên mới có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.
Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã đưa ra xét xử vụ án “Phương án vàng” rồi. Đây là vụ án mà Bí thư tỉnh ủy và Giám đốc công an một số địa phương “tự đặt ra luật” thu vàng của người đi di tản. Kết quả là một Giám đốc công an tỉnh bị xử tử hình, nhiều người khác bị xử lý ở các mức độ khác nhau.
Rồi sau này là liên tiếp các vụ án “Nguyễn Văn Mười hai với Nước hoa Thanh Hương” cuối những năm 1980 đầu 1990, vụ “EPCO- Minh Phụng” cuối những năm 1990, vụ án “Đường dây 500KV” một Bộ bộ trưởng phải vào tù. Vụ án “Thủy cung Thăng Long”, một Phó thủ tướng mất chức. Vụ án “Lã thị Kim Oanh”, một Bộ trưởng bị xử lý kỷ luật và gần đây nhất là các “đại án” như Vinashin, Vinalines. Rồi vụ án đang được xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Tuy nhiên có thể nói, về mức độ vi phạm thì vụ án sau ngày càng nhiêm trọng hơn vụ án trước. Còn như cậu hỏi “nếu nói theo ngôn ngữ của bộ Luật Hình sự “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” thì tình hình tham nhũng ở nước ta đang ở mức độ nào? Tôi có thể nói là ở cấp độ 3: đặc biệt nghiêm trọng.
Vậy còn ý thức về công cuộc phòng và chống tham nhũng của chúng ta thì sao, thưa ông?
- Chúng ta cũng đã nói rất nhiều rồi, nói hết nước hết cái rồi, nói hết cả ngôn từ rồi. Từ chỗ chỉ ra thực trạng “một bộ phận cán bộ đảng viên” đến “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền” và hiện nay là “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao đương chức hay đã về hưu” đã suy thoái về đạo đức, lối sống.
Còn như thế nào là suy thoái về đạo đức, lối sống? Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng khai mạc ngày 27/2/2012, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã định nghĩa, đó là “sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc...
Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm… ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức, hoặc thôi chức”.
Như tôi vừa nói ở trên, về thực trạng này, Đảng ta đã nhìn ra từ lâu, đã biết, đã nói rồi.
(Ông Hương đứng lên, đi lại phía giá sách và rút ra một chiếc phong bì đã ố vàng. Ông trở về ghế đi văng gỗ, mở phong bì và đưa cho tôi một tài liệu. Tôi cầm lên. Thì ra đó là bức tâm thư của cố vấn Phạm Văn Đồng gửi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn An. Bức tâm thư góp ý chuẩn bị Hội nghị TƯ 6 (lần 2) Khóa VIII.
Bức thư có đoạn: “Điều chủ yếu phải nhấn mạnh theo tinh thần trên là người có chức, có quyền trong hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng, một bộ phận không nhỏ hư hỏng quá, thoái hóa, biến chất, chạy theo chức, quyền, tiền, danh và lợi. Chúng đang làm cho phần lớn nhân dân ta ngày càng giảm lòng tin vào Đảng ta, đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi thường, là sự hội nhập của 4 nguy cơ, tác động lẫn nhau và phá ta: có cái rõ, có cái chưa rõ, có mặt nổi, có mặt chìm, có cái trước mắt, có cái lâu dài, tất cả có thể đưa đến sự suy vong của chế độ và sự nghiệp cách mạng của chúng ta”. Chờ tôi đọc xong bức thư, ông Hương nói: Đấy, cậu thấy chưa: Có phải đến bây giờ Đảng ta mới nhìn ra vấn đề này đâu.
“Bắn” có địa chỉ
Thưa ông, ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới, ngày 1/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc”. Ông suy nghĩ như thế nào về câu nói này?
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rất đúng và rất trúng. “Bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả” là triệu chứng của căn bệnh kinh niên trách nhiệm tập thể, của triệu chứng sợ trách nhiệm, triệu chứng thành tích, triệu chứng lợi ích nhóm và đặc biệt là triệu chứng người bắn bị “liệt cò” do tay trót nhúng chàm.
Vậy, muốn “bắn trúng đích” thì phải làm như thế nào, theo ông?
- Có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, từ công tác tổ chức bộ máy, công khai, minh bạch đến đẩy mạnh cải cách thể chế. Tuy nhiên, theo tôi, có một vấn đề rất quan trọng đó là phải quy trách nhiệm rõ ràng. Kỷ luật hành chính lâu nay cực kỳ lỏng lẻo, không thể kể xiết những vụ việc sai phạm, vi phạm luật công chức nhưng cuối cùng vẫn là "đơn thuốc" kiểm điểm, rút kinh nghiệm, hoàn thành nhiệm vụ. Sợi dây kinh nghiệm cứ dài mãi, dài mãi không dứt.
(Nói rồi, ông Hương lại đứng dậy, đi lại phái giá sách, trở về chỗ ngồi, ông đưa cho tôi một tờ giấy A4 viết tay).
Đây là bản photocopy bức thư tôi gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông đã nhận được và cho gọi tuần sau lên gặp ông để trình bày với ông thêm một số vấn đề về công tác chống tham nhũng.
Tổng Bí thư đã chỉ đạo xử lý cụ thể các vụ án rồi. Tức là có địa chỉ cụ thể rồi. Việc còn lại là phải xử lý nghiêm khắc, đúng người, đúng tội.
Cậu thấy đấy, ngay trong bức thư Cụ Đồng cậu vừa đọc, Cụ đã nói rõ cần phải làm thế nào rồi.
(Bức thư của cố vấn Phạm Văn Đồng viết: “Không thể để tình hình như vậy. Chúng ta phải vũ trang cho mình ý thức và ý chí tiến công, chủ động nắm lại tình hình, chống lại xu thế nói trên. Làm trong sạch bộ máy Đảng, nhà nước, các đoàn thể quần chúng bằng cách thay đổi người có chức, có quyền hư hỏng, thoái hóa, biến chất. Phải rèn luyện, chủ yếu là qua thực tế công tác, người có chức, có quyền thực sự xứng đáng là người đầy tớ trung thành và người lãnh đạo của nhân dân, được dân tin, dân mến. Từ đó làm chuyển biến tình hình”)
Vừa rồi, đồng chí Chính (Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - NV) đến thăm tôi, cũng ngồi chỗ cậu ấy. Tôi cũng nói, chủ yếu là về những kinh nghiệm trong công tác tổ chức mà ông Thọ (Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương giai đoạn 1956-1973 - NV). Phạm Minh Chính nói: “Vâng, cháu sẽ nghiên cứu kỹ và thực hiện”.
Thưa ông, nếu không có gì bí mật, thì xin ông cho biết, tuần tới, khi gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ông sẽ báo cáo gì với Tổng Bí thư?
- (Ông Hương cười) Cuối tuần tới cậu tới đây tôi sẽ nói cho mà nghe. Tuy nhiên có một điều chúng ta tin tưởng rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là làm, làm đến nơi đến chốn.
Xin cám ơn ông vì cuộc trò chuyện này!