Cần có đột phá như “Khoán mười”!
Theo ông, thách thức lớn nhất của nền nông nghiệp nước ta hiện nay là gì?
- Có thể nói nền nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thách thức lớn, nếu chúng ta không kịp thời khắc phục những yếu kém và thúc đẩy mạnh mẽ để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm thì hàng nông sản của chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà chứ chưa nói gì tới thị trường thế giới. Cứ nhìn ra thị trường trong nước sẽ thấy ngay thôi. Thị trường khu vực phía Bắc hoa quả Trung Quốc gần như chiếm ưu thế vượt trội.
Thị trường khu vực phía Nam thì nhiều năm qua Thái Lan cũng chiếm thị phần rất lớn. Thậm chí Lào, Campuchia cũng đang phát triển rất nhanh. Nhìn ra xa một chút thì cái viễn cảnh một người Việt Nam đi công tác nước ngoài mua một túi vải Campuchia ở trung tâm thương mại hoa quả châu Âu, nâng lên thì thấy vải có xuất xứ từ Việt Nam có thể sẽ không còn là chuyện xa lạ nữa. Điều đó cho thấy công nghệ chế biến của chúng ta đang lạc hậu đến mức nào.
Vậy, nếu muốn đuổi kịp các nước tiên tiến như Thái Lan chẳng hạn thì nền nông nghiệp nước ta cần phải thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Nói thế này thì hơi “đao to búa lớn”, nhưng thực sự chúng ta phải có bước đột phá ,mới như “Khoán mười” nhưng phải vĩ đại hơn nhiều cả về cơ cấu nông nghiệp trong nền kinh tế nói chung lẫn chất lượng nền nông nghiệp nói riêng.
Vậy, về cơ cấu nền nông nghiệp nước ta cần phải được hình thành ra sao trong thời gian tới, thưa ông?
- Nước ta hiện nay tỷ lệ nông nghiệp trong tổng sản phẩm xã hội vào khoảng 20%, nhưng lại chiếm tới hơn 75% dân số ở nông thôn. Mục tiêu phấn đấu của chúng ta là trở thành một nước công nghiệp, đồng thời chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Trong thời gian tới vấn đề khó nhất đối với nước ta để trở thành một nước công nghiệp là phải làm thế nào để giảm đi một nửa số lao động nông nghiệp.
Số lao động nông nghiệp còn lại trong nông thôn sẽ làm việc trong các nông trại gia đình mà thực chất là các doanh nghiệp nông nghiệp như ở các nước công nghiệp tiên tiến hiện nay. Còn mục tiêu xa hơn là chúng ta phải tiến tới nông dân chỉ còn lại khoảng 10% dân số (ở các nước tiên tiến con số này chênh lệch từ 5 đến 7%) nhưng vẫn có thể nuôi sống toàn bộ xã hội và xuất khẩu nông sản.
Hình thành lớp doanh nhân nông nghiệp
Đó là cơ cấu của nông nghiệp trong nền kinh tế. Vậy còn chất lượng của nền nông nghiệp cần có bước đột phá như thế nào?
- Chúng ta phải hình thành cho được một lớp doanh nhân kiểu mới chưa từng có trong lịch sử nước nhà, đó là lớp doanh nhân nông nghiệp. Tức là hình thành loại hình doanh nghiệp mới cả về quy mô lẫn chất lượng. Như tôi đã nói ở trên, đó là doanh nghiệp nông nghiệp hay nông trại gia đình. Các nông trại này chỉ có một đến ba lao động chủ yếu là thành viên của gia đình, nhưng có thể canh tác từ vài chục đến vài trăm hécta bằng máy móc nông nghiệp và có năng suất lao động rất cao.
Người làm thuê trong nông nghiệp hầu như biến mất. Trong nông thôn sẽ chủ yếu là các nông trại gia đình và các doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ làm công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Nông trại gia đình có thể kinh doanh tổng hợp, cũng có thể chuyên môn hóa sang trồng trọt, chăn nuôi hay thủy sản.
“Khoán mười” đã tạo ra thay đổi bước ngoặt trong nền nông nghiệp nước ta bằng phát triển kinh tế hộ. Nó được coi là giá trị truyền thống quý giá của nước ta. Vậy trong thời gian tới số phận của nó sẽ ra sao?
- Nhiều người cho rằng muốn phát triển kinh tế phải hình thành các trang trại lớn là các doanh nghiệp thuê nhân công. Mô hình này đã thất bại trong thời kỳ bao cấp. Thực tiễn ở các nước công nghiệp đi trước ta đã hiện đại hóa nông nghiệp của họ trên cơ sở của kinh tế hộ nông dân. Trong quá trình này các nông dân giàu và nghèo đã bỏ nông nghiệp để ra đô thị hay chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn.
Chỉ còn một số trung nông yêu nông nghiệp, biết làm ăn ở lại, trở thành những doanh nhân, chủ trang trại gia đình, không có người làm thuê, một người nuôi được 10 người. Việc phát triển óc kinh doanh để tạo ra những doanh nhân nông nghiệp là chìa khóa để phát triển kinh tế nông thôn.
Doanh nghiệp nông nghiệp hay nông trại gia đình có phải là các nông trại hay trang trại đang tồn tại hiện nay, nhưng được nâng cao về chất lượng?
- Loại hình doanh nghiệp nông nghiệp là sự liên kết giữa doanh nhân nông nghiệp (chủ doanh nghiệp nông nghiệp) với nhà khoa học, ngân hàng để cho ra những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ, mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tức là yếu tố chất xám (khoa học, công nghệ) phải rất cao.
Còn có một nền kinh tế phi thị trường
Thưa ông, việc hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp hiện đại cũng đồng nghĩa với việc hàng loạt nông dân sẽ mất đất sản xuất. Bài toán này được giải như thế nào?
- Muốn có ruộng đất cho các hộ nông dân chuyển thành nông trại gia đình thì phải có chính sách hỗ trợ việc di dân và thúc đẩy phát triển hoạt động phi nông nghiệp. Ở nông thôn quanh Hà Nội hiện nay đã có nhiều làng nghề phát triển các cụm công nghiệp rất năng động, hiện đại hóa và chuyên môn hóa một số nghề chính và bắt đầu có phân công lao động, chuyển một số hộ nông dân chuyên làm nghề sang thành các doanh nghiệp gia đình nhỏ. Các cụm công nghiệp như đồ gỗ Đồng Kỵ, gốm sứ Bát Tràng... đã tạo việc làm cho người nông dân ở các vùng lân cận, sinh ra hàng trăm doanh nghiệp nhỏ rất năng động.
Từ các mô hình này cho thấy trong tương lai các cụm công nghiệp như vậy sẽ phát triển năng động tạo ra một mô hình công nghiệp hóa mới có hiệu quả rất cao, dựa chủ yếu vào thủ công nghiệp và óc kinh doanh địa phương. Các cụm này là một thể chế sản xuất về tổ chức lao động, mạng lưới tương trợ, thị trường, chia sẻ giá trị chung, có tác dụng làm giảm chi phí trao đổi (vận tải, tiếp xúc với thông tin, tiếp xúc với người cung cấp và phân phối), giảm rủi ro trong kinh doanh và năng động về sáng kiến. Đây là môi trường thuận lợi cho trao đổi, đầu tư và tạo việc làm. Mô hình này hiện rất phổ biến ở các nước tiên tiến lẫn đang phát triển, gần đây đã trở thành chiến lược công nghiệp hóa phổ biến trên thế giới.
Thưa ông, một nền “nông nghiệp thị trường” như vậy có xóa đi các phong trào “tương thân tương ái”, giúp nhau “xóa đói, giảm nghèo”... lâu nay đang rất được khuyến khích?
- Thực tế của thời kỳ đổi mới cho thấy kinh tế thị trường là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Nhưng chỉ có thị trường không thì không đủ. Mối quan hệ thị trường dựa chủ yếu trên quyền lợi cá nhân thường mâu thuẫn với quyền lợi xã hội. Vì vậy đã xuất hiện một nền kinh tế khác mang tính “xã hội”, hoạt động bên cạnh kinh tế thị trường để điều chỉnh các nhược điểm của kinh tế thị trường. Kinh tế này không dựa vào quyền lợi cá nhân mà vào tính tương trợ, không vụ lợi vào quyền lợi tập thể.
Vì vậy trong phát triển kinh tế nông thôn, ngoài các thể chế kinh tế thị trường, cần có các thể chế “phi thị trường” thì mới hoạt động được. Để giúp các hộ nông dân chuyển từ tình trạng tự cấp sang sản xuất hàng hóa phải có các thể chế “phi thị trường”. Các hình thức tổ chức nông dân như tổ tương trợ, tổ sản xuất, tổ dịch vụ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội... là các thể chế “phi thị trường”. Thể chế này dựa trên tinh thần đoàn kết tương trợ giữa hộ giàu và hộ nghèo, hơn là vào cạnh tranh. Hình thức này sẽ tồn tại lâu dài và biến đổi phù hợp với tình hình thực tế đòi hỏi.
Xin cám ơn ông!