49% tân cử nhân hài lòng về công việc
Công ty JobStreet Việt Nam (JobStreet.com) vừa cho biết, theo một khảo sát về “Chỉ số hạnh phúc” được 2 mạng việc làm JobStreet.com và JobsDB thực hiện trên khoảng 50.000 người lao động tại Malaysia, Hong Kong, Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, sinh viên mới tốt nghiệp tại Việt Nam có mức độ hạnh phúc thấp hơn so với 6 quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực.
Cụ thể, dữ liệu tổng hợp từ cuộc khảo sát nêu trên cho thấy, với mức điểm 6,5/10, các sinh viên mới tốt nghiệp tại Philippines tỏ ra lạc quan hơn cả về tương lai, tiếp đó sinh viên mới ra trường tại Indonesia (6/10) và Thái Lan (5,9/10). Đối tượng này tại Malaysia, Singapore, Hong Kong lần lượt đạt các mức điểm 5,5/10; 5,2/10 và 5,1/10 - khá trung tính trong khi Việt Nam là nước mà các sinh viên mới ra trường có mức độ hài lòng về công việc thấp nhất trong khu vực (4,9/10).
Tuy nhiên, theo khảo sát JobStreet.com và JobsDB, Việt Nam nằm trong Top 3 quốc gia trong khu vực có các sinh viên mới ra trường lạc quan về sự cải thiện trong công việc trong khoảng vòng 6 tháng đầu làm việc. Cụ thể, sinh viên mới tốt nghiệp tại Indonesia đứng đầu về độ lạc quan (6,8/10), theo sát Indonesia là hai nước Philippines và Việt Nam. Các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển lại tỏ ra kém lạc quan khi những sinh viên mới ra trường tại Singapore và Hong Kong đều có số điểm thấp (5,4/10).
Cũng theo kết quả khảo sát được đơn vị này thực hiện gần đây với gần 1.200 sinh viên mới tốt nghiệp của Việt Nam, có tới gần 75% đối tượng tham gia khảo sát xác định mức lương là yếu tố quan trọng khi đọc mẩu tin tuyển dụng trên các trang mạng việc làm.
Yêu cầu của việc làm và địa điểm làm việc là 2 yếu tố được nhóm đối tượng này quan tâm thứ hai và thứ ba, với các tỷ lệ lần lượt là 71% và 50%. Trong khi đó, mô tả việc làm - một yếu tố tối quan trọng để xác định một công việc có phù hợp với người lao động hay không chỉ đứng ở vị trí ưu tiên thứ 4 (48%) trong lựa chọn của các sinh viên mới ra trường tại Việt Nam.
Mạng việc làm JobStreet.com tại Việt Nam cho hay, tình trạng sinh viên mới tốt nghiệp không có việc làm được nhiều nhà tuyển dụng đánh giá là do thái độ cũng như kỹ năng vẫn còn chưa đáp ứng được mong đợi hay khả năng của nhà tuyển dụng. “Chấp nhận mức lương công ty đề nghị” là yếu tố nằm trong Top 3 dẫn đến quyết định tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp theo khảo sát được JobStreet.com thực hiện vào Quý I/2016 đối với gần 400 nhà tuyển dụng.
Sự kỳ vọng về mức lương chưa thực tế
Đáng chú ý, từ những thông tin thu thập được qua các khảo sát của đơn vị mình, mạng việc làm JobStreet.com đã đưa ra nhận định, dù mức lương của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong thời gian qua khi năm 2016 đánh dấu sự tăng trưởng đến gần 2 chữ số, đặc biệt ở những vị trí mới ra trường (theo Báo cáo lương của JobStreet.com Việt Nam năm 2015-2016), tuy nhiên sự kỳ vọng về mức lương của đối tượng lao động này đang tỏ ra chưa thực tế.
Theo nghiên cứu Xu hướng tăng trưởng lương năm 2016 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mức lương tăng trưởng thường chỉ tương ứng với mức độ lạm phát của quốc gia đó. Điều này cũng được nhắc lại một lần nữa trong báo cáo gần đây của Mercer với việc lạm phát cùng với tỷ lệ nhảy việc lên đến hàng 2 con số trong hầu hết các quốc gia khu vực.
Trong một trao đổi với báo chí tại Ngày hội việc làm trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM, bà Dương Thị Ngọc Hải - Giám đốc Marketing JobStreet.com Việt Nam từng nhận định: “Có thể sinh viên thật sự đang được trả lương thấp hơn thị trường. Nhưng là một người vừa tốt nghiệp, các bạn có rất nhiều cơ hội để định hướng phát triển nghề nghiệp theo các cách bạn muốn. Và tốt nhất, khoảng thời gian ngay sau tốt nghiệp nên được dành để học hỏi, đa dạng hóa những kỹ năng cả cứng và mềm hơn là hướng ngay đến một vị trí được trả lương cao”.
Mạng việc làm JobStreet.com cũng đưa ra lời khuyên, khi bước vào môi trường làm việc, các bạn sinh viên mới tốt nghiệp cần đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng. Những người sử dụng lao động cần có thời gian để điều chỉnh mức lương phù hợp với khả năng nhân viên, đặc biệt là những người hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Do đó, một giải pháp khi những nhân viên mới không kiếm được mức lương hằng mong đợi, hãy có một cuộc trao đổi cởi mở trực tiếp với cấp trên về việc lập ra những con số, mục tiêu cụ thể để đạt được điều mong muốn.