Thu nhập đối với các nhân sự cấp quản lý tập đoàn, ông Nguyễn Quốc Khánh (Chủ tịch PVN - thôi chức vụ từ năm 2017) có thu nhập 52 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với mức kế hoạch đề ra 83,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc PVN, có thu nhập 47 triệu đồng/tháng, trong khi kế hoạch hơn 81 triệu đồng/tháng.
Các thành viên HĐTV khác có mức thu nhập thực tế từ 45 triệu đến 49 triệu đồng/tháng, trong khi kế hoạch khoảng 74 triệu đồng/tháng.
Đối với các Phó tổng giám đốc cũng có thu nhập dao động khoảng 45-51 triệu đồng/tháng. Cụ thể, ông Lê Minh Hồng có thu nhập 45 triệu đồng, ông Nguyễn Quốc Thập 51 triệu đồng, ông Nguyễn Sinh Khang 47 triệu đồng, ông Nguyễn Hùng Dũng 47 triệu đồng, ông Ninh Văn Quỳnh 49 triệu đồng.
Ngoài ra, mức tiền lương bình quân thực hiện năm 2016 của người lao động PVN là 30 triệu đồng/người/tháng. Mức tiền lương bình quân kế hoạch năm 2017 được PVN đưa ra là 30 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2016, lợi nhuận hợp nhất sau thuế toàn PVN đạt 24.400 tỷ đồng, vượt 51,6%. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 22.400 tỷ đồng, vượt 37,4% kế hoạch năm.
Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí, Công ty liên doanh Việt – Nga “Vietsovpetro” đạt doanh thu 43.300 tỷ đồng, vượt 3,2% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 6.480 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch nhưng vẫn kém xa kết quả 10.260 tỷ đồng của năm 2015.
Tại Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), doanh thu hợp nhất đã đạt 30.900 tỷ đồng; tuy nhiên lỗ hợp nhất lên tới 1.980 tỷ đồng. Đáng nói là lợi nhuận trước thuế của PVEP đạt 5.189 tỷ đồng nhưng do quy định thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay là theo khối lượng dầu xuất bán tại các dự án và không phụ thuộc vào lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác nên thuế thu nhập doanh nghiệp mà PVEP phải nộp lên tới 5.189 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận sau thuế bị âm lớn.
Tại Liên doanh Rusvietpetro, tổng doanh thu phía Việt Nam đạt được là 406,1 triệu USD, tương đương 9.140 tỷ đồng. Lợi nhuận của phía Việt Nam thu được là 82,24 triệu USD, tương đương 1.890 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực khai thác khí, Tổng công ty Khí Việt Nam – PV Gas đạt doanh thu hợp nhất là 55.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 5.670 tỷ đồng. Đối với riêng Công ty mẹ- PV Gas, lợi nhuận sau thuế đạt 5.630 tỷ đồng, vượt 10% so với kế hoạch.
Đối với lĩnh vực công nghiệp điện, Tổng công ty Điện lực Dầu khí cũng có kết quả đáng nể. Doanh thu hợp nhất đạt 26.520 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.590 tỷ đồng, trong đó phần của Công ty mẹ - PVPower đạt 918 tỷ đồng.
Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo) cũng có kết quả tốt với doanh thu hợp nhất đạt 8.160 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.140 tỷ đồng, riêng Công ty mẹ - PVFCCo đạt 1.080 tỷ đồng.
Tại Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.210 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 622,5 tỷ đồng.
Đối với Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn, lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 2.160 tỷ đồng, vượt 2,4 lần kế hoạch năm.
Trong khối các doanh nghiệp ở mảng dịch vụ dầu khí, có 5 đơn vị đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất cao là Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PV Trans) với 460 tỷ đồn, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) với 836 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) với 436 tỷ đồng, Tổng công ty Bảo dưỡng - Sửa chữa công trình Dầu khí (PVMR)m với 5 tỷ đồng, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) với 577 tỷ đồng.
Các đơn vị chủ lực trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí tuy vẫn có lợi nhuận sau thuế nhưng đạt thấp là Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) với 110 tỷ đồng; Tổng công ty Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) với 156 tỷ đồng; Tổng công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí (PVE) là 33 tỷ đồng….
Trong số các doanh nghiệp lỗ có Công ty Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PV Tex) với lỗ luỹ kế tới 31/12/2016 là 3.431,5 tỷ đồng; Tổng công ty cổ phần Dung dịch khoan và Hoá phẩm Dầu khí (DMC) lỗ hợp nhất là 41 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) lỗ 122 tỷ đồng.