Luật sư “mách nước” khách hàng VTVcab khởi kiện vụ “treo đầu dê, bán thịt chó“

VietTimes -- Người sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền của VTVcab có quyền khởi kiện đơn vị này ra Tòa, tuy nhiên, cần phải cân nhắc lựa chọn phương thức đòi hỏi quyền lợi: Khiếu nại tới VTVcab, khởi kiện vụ án dân sự hay đưa vụ việc ra cơ quan quản lý cạnh tranh...

Trao đổi riêng với VietTimes, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Hãng Luật Intercode, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho biết anh đã nhận được yêu cầu hỗ trợ pháp lý của một số khách hàng trong vụ việc này và bước đầu anh nhận định VTVcab vi phạm thỏa thuận tại hợp đồng và người sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền của VTVcab có quyền khởi kiện đơn vị này ra Tòa án có thẩm quyền, kể cả trường hợp Hợp đồng cung cấp dịch vụ không quy định hoặc hạn chế quyền này.

Khách hàng VTVcab có quyền yêu cầu đền bù thiệt hại

Dưới góc độ Luật sư, anh nhận định thế nào về việc VTVcab đột ngột cắt hàng loạt kênh truyền hình hấp dẫn mà không thông báo với khách hàng, dẫn tới những bức xúc trong dư luận những ngày gần đây?

- Với tư cách là người hành nghề luật, bám sát diễn biến vụ việc, tôi khẳng định VTVcab có vi phạm hợp đồng, bước đầu bởi các dấu hiệu sau:

Thứ nhất, Khoản 6.5, Điều 6, Hợp đồng mẫu đã được đăng ký quy định: “VTVcab chỉ được thực hiện việc thay đổi số lượng kênh và kênh trong mỗi gói dịch vụ sau khi đã đăng tải tại trang điện tử http://www.VTVcab.vn và thông báo tới Bên sử dụng dịch vụ dưới một trong các hình thức sau: Nhắn tin trực tiếp tới số điện thoại di động của Bên sử dụng dịch vụ (nếu Bên sử dụng dịch vụ đăng ký nhận thông báo bằng tin nhắn); hoặc gửi thông báo đến Bên sử dụng dịch vụ theo địa chỉ mà Bên sử dụng dịch vụ đăng ký”.

Luật sư “mách nước” khách hàng VTVcab khởi kiện vụ “treo đầu dê, bán thịt chó“ ảnh 1 Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Chiếu với thỏa thuận trên, VTVcab đã thay thế hơn 20 kênh có lượng xem rất cao bằng những kênh khá xa lạ, tôi chưa nói về chất lượng sự hấp dẫn của những kênh mới này. Đồng thời VTVcab không thông báo tới phần lớn khách hàng sử dụng dịch vụ. Hai hành vi trên là trái với thỏa thuận tại Khoản 6.5, Điều 6 Hợp đồng dịch vụ. Lưu ý là việc đăng trang điện tử của đơn vị này không loại trừ nghĩa vụ thông báo.

Thứ hai, về số lượng kênh, VTVcab đơn phương cắt 23 kênh kênh truyền hình có lượng theo dõi cao, thay thế bằng 12 kênh truyền hình khác là hành vi cắt, giảm lượng dịch vụ trên thị trường liên quan. Còn về chất lượng, các chuẩn hình ảnh và âm thanh của các kênh mới, theo cảm nhận trực quan đã bị giảm rất nhiều, có thể không còn chuẩn HD hay Full HD như trước nữa.

Người dùng có thể khởi kiện VTVcab để tránh những trường hợp tương tự lặp lại?

- Pháp luật nói chung và pháp luật về dân sự nói riêng bảo hộ quyền khởi kiện của các tổ chức cá nhân khi họ cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại. Do đó, người sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền của VTVcab có quyền khởi kiện đơn vị này ra Tòa án có thẩm quyền, kể cả trường hợp Hợp đồng cung cấp dịch vụ không quy định hoặc hạn chế quyền này.

Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc lựa chọn phương thức đòi hỏi quyền lợi: Khiếu nại tới VTVcab, khởi kiện vụ án dân sự hay đưa vụ việc ra cơ quan quản lý cạnh tranh nếu hành vi của VTVcab vi phạm điều cấm của luật đồng thời thuộc thẩm quyền của Hội đồng cạnh tranh quốc gia hoặc Cơ quan quản lý cạnh tranh.

Trong mọi phương thức, nội dung đề nghị, kiến nghị hay yêu cầu cần phải cụ thể, có căn cứ vững chắc và thuyết phục. Khách hàng trả tiền hàng tháng thì kiến nghị những gì, người trả tiền theo năm thì yêu cầu gì, căn cứ cho những kiến nghị, yêu cầu đó. Việc chuẩn bị và hệ thống hóa một cách khoa học các tài liệu, chứng cứ trong bộ hồ sơ khiếu nại, khởi kiện là rất cần thiết.

Tóm lại VTVcab hay bất kỳ đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nào đều có thể bị khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời có nghĩa vụ chấp hành các phán quyết của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

Với sự việc này, đã có một số thuê bao cắt hợp đồng. Trên diễn đàn mạng, nhiều thành viên cho rằng cho rằng đây không chỉ là chuyện hoàn tiền thuê bao các tháng chưa sử dụng một cách đơn thuần. Vậy, người dùng cần được đền bù thế nào thì coi là thỏa đáng?

- Quan hệ pháp lý giữa VTVcab và khách hàng trong trường hợp này là quan hệ hợp đồng dịch vụ giữa bên cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng. Do đó, việc VTVcab, cắt giảm một số kênh truyền hình mà không thông báo trước hoặc thông báo không đầy đủ, rõ ràng tới khách hàng dẫn đến tranh chấp thì trước hết phải ưu tiên áp dụng các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng để xử lý, giải quyết.

Trường hợp trong hợp đồng không quy định rõ, thì áp dụng các quy định của pháp luật về Hợp đồng dịch vụ và pháp luật liên quan để giải quyết.

Theo quy định tại Điều 419 Bộ Luật dân sự 2015 về Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng thì ngoài tiền phí dịch vụ do không được sử dụng dịch vụ được nhận lại người tiêu dùng còn có thể yêu cầu bồi thường các khoản sau:

Một là, Người có quyền (Người sử dụng dịch vụ) có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

Hai là, trong trường hợp này, khách hàng phải chứng minh thiệt hại mà họ phải chịu từ hành vi vi phạm hợp đồng của VTVcab. Chẳng hạn, khách hàng bị mất những khoản chi phí liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng với VTVcab, thời gian, chi phí trông thuê đơn vị mới lắp đặt thiết bị, đi dây, kể cả thiệt hại về tinh thần.

VTVcab sắp trở thành bị đơn trong một vụ kiện đông đảo các đồng nguyên đơn

Về sự việc này, đại diện Hiệp hội Truyền hình trả tiền nói việc thay đổi các kênh này của VTVcab là bất khả kháng. Tuy nhiên, khách hàng bất bình về việc VTVcab không thông báo trước, chứ không quá nặng nề chuyện thay đổi kênh. 

- Trước hết, nếu đúng như vậy, vị đại diện Hiệp hội này chưa hiểu đầy đủ khái niệm “bất khả kháng” theo quy định của luật. Luật thương mại, Bộ luật dân sự đều có khái niệm chung về bất khả kháng như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dung mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Sự  kiện bất khả kháng này gây ảnh hưởng trực tiếp và/hoặc làm cho không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ các nghĩa vụ theo Hợp đồng mà VTVcab đã xác lập với khách hàng. Sự kiện bất khả kháng có thể do các bên thảo thuận và tự quy định trong Hợp đồng, nhưng thông thường bao gồm các sự kiện như chiến tranh, khủng bố, bạo động, tình trạng khẩn cấp quốc gia, rối loạn công cộng, đình công, bệnh dịch, hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, thiên tai, thay đổi chính sách, pháp luật của Nhà Nước, lệnh cấm hoặc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật hoặc do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và các sự kiện khác có tính chất tương tự. Khi có sự kiện bất khả kháng thì bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng phải gửi thông báo cho bên kia trong một thời hạn hợp lý. Nếu không thông báo thì sẽ mất quyền được miễn trách nhiệm.

Luật sư “mách nước” khách hàng VTVcab khởi kiện vụ “treo đầu dê, bán thịt chó“ ảnh 2

Về việc này, dư luận nhắc nhiều tới đơn vị cung cấp kênh cho VTVcab và VTVcab cho rằng họ bị phụ thuộc vào đơn vị cung cấp chương trình này, thưa anh?

- Liên quan đến bên thứ ba là đơn vị cung cấp kênh cho VTVcab (Công ty Qnet - theo báo chí phản ánh) không giao kết Hợp đồng với khách hàng, bên thứ ba này không thực hiện được nghĩa vụ của mình do gặp bất khả kháng có được coi là căn cứ miễn trách nhiệm cho VTVcab hay không còn tùy thuộc vào thỏa thuận của đơn vị này với VTVcab. Về bản chất, căn cứ miễn trách nhiệm không phù hợp với nguyên tắc chịu trách nhiệm tài sản trực tiếp giữa các bên trong quan hệ hợp đồng.

VTVcab và Bên thứ ba phải tự mình gánh chịu các nghĩa vụ cũng như lợi ích về mặt tài sản phát sinh từ quan hệ riêng biệt đó. Nếu bên thứ ba được miễn trách nhiệm trước VTVcab, thì đó là vấn đề nằm trong khuôn khổ hợp đồng của hai bên đó và họ phải tự giải quyết. Hợp đồng đó được xác lập vì lợi ích của VTVcab nên đương nhiên trách nhiệm cũng do VTVcab gánh chịu, không thể yêu cầu Người tiêu dùng gánh chịu hoặc chia sẻ trách nhiệm đó. Do vậy, tôi không đồng tình với phát biểu của vị đại diện Hiệp Hội truyền hình trả tiền.

Anh có nhắn nhủ gì cho VTVcab trước cơn bão dư luận hiện nay?

- Tôi nghĩ họ đủ khôn ngoan để ứng xử vấn đề này, hoặc chí ít đội ngữ Luật sư pháp chế của VTVcab đã có đối sách phù hợp. Song tôi vẫn mạnh dạn nhắn nhủ VTVcab rằng trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ của các đơn vị cung ứng dịch vụ truyền hình thu tiền, việc ứng xử của VTVcab trước tiên đã làm mất đi của đơn vị này một số lượng lớn hợp đồng đã và sẽ ký, tôi khẳng định vậy.

Bước đầu, VTVcab nên thể hiện thái độ cầu thị thay vì đổ lỗi do bất khả kháng hay những lập luận thiếu thuyết phục. Một động thái xin lỗi kèm những gói ưu đãi, hỗ trợ là bước đi ban đầu thể hiện sự “biết người biết ta” của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo việc làm này sẽ loại bỏ được nguy cơ VTVcab trở thành bị đơn trong một vụ kiện với số lượng đông đảo các đồng nguyên đơn.

Xin cảm ơn Luật sư!