Các ứng dụng thông minh cần gắn với thiết bị di động để người dân tiện kiểm soát

VietTimes -- Muốn xây dựng thành phố thông minh, các ứng dụng thông minh được phát triển đồng bộ để phục vụ người dân, như: Bãi đỗ xe thông minh, công tơ điện thông minh, năng lượng thông minh... Các dịch vụ này được gắn với thiết bị di động để người dân có thể kiểm soát dịch vụ mà mình sử dụng. 
việc xây dựng một “thành phố thông minh” đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị. Ảnh minh hoạ: Internet
việc xây dựng một “thành phố thông minh” đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị. Ảnh minh hoạ: Internet

Đó là trao đổi của bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2017 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tầm nhìn và Giải pháp công nghệ” tổ chức sáng 5/4.

Theo bà Tú, việc xây dựng một “thành phố thông minh” đã và đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, là một cuộc cách mạng về quản lý đô thị. Đồng thời, “thành phố thông minh” là nơi ở đó công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng.

Và trong một thành phố thông minh, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền (hay “Chính quyền điện tử”, “Chính quyền thông minh”) sẽ đóng vai trò trung tâm.

Đối với thành phố Hà Nội, bên cạnh việc xây dựng Chính quyền điện tử làm trung tâm thì một số lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân như giáo dục (xây dựng “trường học và lớp học thông minh”, tạo môi trường học tập tương tác, sáng tạo, xây dựng kho dữ liệu giáo dục,... tiến tới hình thành “xã hội học tập”), y tế (bệnh viện và bệnh án điện tử, hỗ trợ chẩn đoán, chữa bệnh từ xa... kết nối để xây dựng mạng thông tin y tế), giao thông (hệ thống giám sát, điều phối giao thông, quản lý phương tiện giao thông công cộng và cung cấp các tiện ích hỗ trợ cho người dân). Các lĩnh vực này sẽ là ưu tiên trọng tâm, với mục tiêu để nhiều người dân ngày càng thụ hưởng được nhiều hơn nữa hiệu quả của ứng dụng CNTT, hướng tới xây dựng xã hội thông tin.

Tuy nhiên, theo bà Phan Lan Tú, muốn xây dựng Chính quyền điện tử hay thành phố thông minh thì hạ tầng, công nghệ là khâu quan trọng, từ đó mới phát triển các tiện ích đồng bộ mang tính tập trung; tiếp đó, phải đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, phần mềm và nhân lực; cuối cùng là bảo mật trên hệ thống. Dựa trên nền tảng công nghệ, các ứng dụng thông minh được phát triển đồng bộ để phục vụ người dân, như: Bãi đỗ xe thông minh, công tơ điện thông minh, năng lượng thông minh...

Các dịch vụ này được gắn với thiết bị di động để người dân có thể kiểm soát dịch vụ mà mình sử dụng. Tại các thành phố, chính quyền lắp hệ thống camera, từ đó theo dõi, cảnh báo và giúp xử lý an ninh trật tự... Việc cung cấp dịch vụ có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp tư nhân; hoặc chính quyền chọn hình thức thuê dịch vụ.

Trong thời gian qua, Thành phố Hà Nội xác định một giải pháp quan trọng trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT là tăng cường hợp tác, trao đổi với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực CNTT.

Mới đây, tại cuộc họp ngày 22/2 thống nhất nội dung hợp tác về việc xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh trên địa bàn Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố cũng đề nghị 4 doanh nghiệp Viettel, VNPT, FPT và Công ty TNHH TM & DVKT Nhật Cường hợp tác với Hà Nội trong một số nội dung về xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh trên địa bàn.

Theo Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP. Hà Nội năm 2017, Hà Nội xác định năm 2017 là năm đột phá căn bản về CNTT; đảm bảo việc triển khai ứng dụng CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung thống nhất trên một hệ thống…

Hà Nội hiện đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và trong năm 2016, triển khai 129 dịch vụ công mức 3 trong các lĩnh vực: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông trên một nền tảng thống nhất, dùng chung và đồng bộ 30 quận, huyện, 584 xã, phường. Số lượng hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng đối với các dịch vụ công lĩnh vực tư pháp (bao gồm hồ sơ công dân tự nộp tại nhà và công dân được hướng dẫn nộp trực tuyến khi đến làm thủ tục tại UBND phường, xã, thị trấn) đạt trên 70%.