Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: “Cởi mở với báo chí là cá tính của tôi”

Một năm nói rất nhiều về thông điệp “nói phải đi đôi với làm”, “nói ít làm nhiều”, cũng là một năm phải làm những việc chưa từng làm, làm những việc chưa có tiền lệ, làm những việc “đụng chạm”, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tâm niệm, làm việc với sự chân thành, không “đánh võng”, “làm hàng”, không tư lợi, rồi mọi người sẽ hiểu...
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Cùng là Bộ trưởng, sao ông phê bình tôi?

- Một trong những việc làm cụ thể để xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lập Tổ công tác để kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của Bộ, ngành, địa phương do Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng. Nhận thêm nhiệm vụ này ông có… ngán?

- Tổ công tác là một sáng tạo của Thủ tướng khi điều hành đất nước. Tuy mới thành lập nhưng hoạt động của Tổ công tác đã tạo ra chuyển động được đánh giá là rất tích cực. Theo thống kê, đến tháng 11/2016, đã có 10.241 nhiệm vụ mà Thủ tướng, Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương, trong đó 5.800 nhiệm vụ đã thực hiện xong. So với tỷ lệ tồn đọng những nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành ở thời điểm cuối tháng 7 là 17% thì đến tháng 10, con số này chỉ còn 3,56% và đến tháng 11 còn có 3,2%.

Quan trọng hơn, việc đốc thúc, kiểm tra tạo ra sức lan toả lớn, tất cả các bộ, ngành, địa phương đều phải tổ chức theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong đơn vị mình, tạo ý thức tốt về trách nhiệm công vụ, về kỷ luật kỷ cương và tác phong, lề lối làm việc của cán bộ công chức.

Sức ép với tôi khi đến làm việc, kiểm tra tại các Bộ rất lớn. Nhiều Bộ trưởng hỏi tôi, sao phải có hàng chục cơ quan báo chí cùng dự họp kiểm tra, sao lại thế này, sao lại thế kia… Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải minh bạch, minh bạch với dư luận, với người dân vì nếu không kiểm tra mà “đóng cửa bảo nhau” thì còn gọi gì là liêm chính, kiến tạo nữa. Tôi nói hoạt động kiểm tra cứ minh bạch, làm tốt nói tốt, làm chưa được nói chưa được, có khuyết điểm thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận.

- Nói như vậy có thể hiểu có không ít những va chạm, sẽ làm “mếch lòng” nhiều người trong hoạt động này. Bộ trưởng có bị “sứt mẻ” vì những chuyện động chạm thế?

- Hoạt động này mới nên các Bộ chưa quen với chuyện phê bình, nhắc nhở vì tôi không phải cấp trên của các Bộ, ngành mà phê bình, kiểm điểm. Mình là Bộ trưởng, người ta cũng là Bộ trưởng, mình Ủy viên TƯ, người ta cũng thế. Đó là một sức ép rất lớn, việc “vào” các Bộ, ngành đầu tiên không đơn giản đâu, phải đấu tranh căng lắm.

Vấn đề là phải làm thế nào để đơn vị được kiểm tra phải tâm phục khẩu phục. Mình phải làm sao xác định đúng vị thế, hành động đúng mực, có trách nhiệm với đơn vị được kiểm tra, công tâm với những đánh giá về nguyên nhân việc chậm trễ, do chủ quan hay khách quan, nếu do chủ quan thì cũng phải xác định rõ ở khâu nào, trách nhiệm của ai, có thể do lãnh đạo Bộ nhưng cũng có thể do khâu quán xuyến, kiểm soát.

Ban đầu, anh em trong Tổ công tác ai cũng ngán, cũng ngại. Tôi nói với anh em, người kiểm tra phải hết sức nghiêm túc thì mới nói người ta được, nói phải chuẩn, đúng mực và có trách nhiệm, công tâm. Không phải đi kiểm tra, trước mặt nhau thì nịnh nhau, ra ngoài lại đùn đẩy, né tránh, tạo ra bức xúc nội bộ thì không được. Nếu kiểm tra mà làm thế thì không ai nghe, không ai tin được.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

- Vậy Bộ trưởng thuyết phục thế nào, để lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng cởi mở với hoạt động này?

- Thực tế, có những Bộ đã 2-3 lần chủ động mời Tổ công tác xuống làm việc vì sau những cuộc kiểm tra như vậy, chúng tôi chính là người giúp cho lãnh đạo Bộ ấy chuyển tải thông điệp của Thủ tướng xuống các Cục, Vụ, cơ quan để cho anh em cơ quan cùng thấu hiểu công việc. Nhưng cũng có những Bộ có ý kiến “Ông cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao ông phê bình tôi?”. Tôi giải thích là tôi không phê bình, tôi chỉ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, đề nghị Bộ trưởng giải trình với Tổ công tác để báo cáo Thủ tướng.

Chúng tôi phải giải thích cụ thể để Bộ, ngành địa phương hiểu rằng đây là công việc chung, công việc của đất nước. Khi làm việc, tôi vẫn nói với các Bộ trưởng: “Đây là việc chung thôi, còn tình cảm của tôi và anh không có gì thay đổi cả, thậm chí sẽ còn hiểu nhau, quý nhau hơn”.

Và cơ bản nhất là khi xuống làm việc, Tổ công tác phải làm sao hỗ trợ các Bộ, ngành xử lý được các vấn đề vướng mắc, đặc biệt khi có quan điểm xung đột ở các Bộ, ngành địa phương thì sau đó, trực tiếp lãnh đạo Văn phòng Chính phủ sẽ cùng ngồi xem xét để xử lý luôn, mời các Bộ trưởng lên trao đổi, cùng báo cáo lãnh đạo Chính phủ. Đừng đặt Tổ công tác lên vị trí cao hơn người này, người kia, bới lông tìm vết, khích bác, gây mất đoàn kết nội bộ…

“Đừng tư lợi, mọi người sẽ hiểu”

- Bộ trưởng nêu quan điểm làm việc là không “né tránh”, “đánh võng”, phải minh bạch vì nếu đóng cửa họp với nhau thì đâu còn liêm chính, kiến tạo nữa nhưng đó là vì việc này có lợi cho người đi kiểm tra. Với Văn phòng Chính phủ của mình, Bộ trưởng có giữ nguyên tắc đó?

- Khi kiểm tra các Bộ, ngành, chúng tôi phát hiện nhiều việc Văn phòng Chính phủ cũng có lỗi chứ, trong khâu phối hợp chẳng hạn, như tham mưu những việc bất khả thi, thì Tổ công tác quay ngược lại kiểm tra chính Văn phòng Chính phủ. Trong tháng 9/2016, Tổ công tác đã kiểm tra Văn phòng, trong tháng 11 thì kiểm tra 2 chuyên đề của chúng tôi làm liên quan đến 2 chỉ đạo của Thủ tướng.

Đã là Chính phủ kiến tạo thì Văn phòng Chính phủ cũng phải có tinh thần phục vụ, năng động, sáng tạo vì công việc chung của đất nước.

- Nhận nhiệm vụ trong một nhiệm kỳ “rất khác” như vậy, qua một năm, Bộ trưởng đã cảm nhận đủ những va đập khi “từ ngòi ra biển” như Bộ trưởng từng chia sẻ tâm tư, cảm nhận sau ngày nhậm chức?

- Nhiều cái khó khi đòi hỏi của Chính phủ mới, của Thủ tướng là phải hành động quyết liệt trong khi từ địa phương lên, mình chưa đủ kiến thức, tri thức, kỹ năng làm việc. Nếu đã từng làm Thứ trưởng ở đây, chắc việc tiếp cận công việc sẽ dễ hơn, còn tôi bắt tay vào làm ngay công việc của Chủ nhiệm Văn phòng, không tránh khỏi việc va vấp. Và với trách nhiệm được giao như thế thì cũng không tránh khỏi va chạm. Những chuyện đó mình phải chấp nhận và phải… cố thôi, vì công việc là như thế.

Tôi cũng nghĩ, làm gì cũng vì việc chung thì chắc mọi người cũng “thế tất”, cũng không để ý, để bụng đâu. Mọi người sẽ nghĩ “Cái ông này vì công việc chung thôi, ra ngoài vẫn anh em, bạn bè, chén chú chén anh cả”.

Quan trọng nhất là sự chân thành, đừng có tư lợi, mọi người sẽ hiểu được, mình làm vì việc chung. Đừng đổ khó khăn chỗ này, chỗ kia về cho nhà người khác thì không ổn đâu, không giấu ai được đâu (cười).

- Luôn nhấn mạnh, truyền đạt thông điệp “nói đi đôi với làm”, “nói ít làm nhiều” nhưng ở vị thế người phát ngôn của Chính phủ, một năm qua, Bộ trưởng có nhiều điều kiện để… nói?

- Ai ngồi ở vị trí của tôi cũng “sợ” nhất là việc đứng trước cơ quan báo chí đấy. Có người nói tôi cần phải xây dựng hình ảnh, xui tôi nhiều việc lắm nhưng tôi không làm, tôi có mỗi cái mặt thế này, có gì đâu mà phải… làm hàng.

Tôi có kinh nghiệm rút ra là cởi mở và chủ động với báo chí và nói thật, đó là cá tính của tôi. Cái gì cần, tôi nói thẳng, cái gì không biết, tôi bảo không biết, cái gì biết là sai, tôi xin lỗi. Tôi nghĩ chuyện đó bình thường, ai chẳng có lúc vấp ngã, nếu thật tâm mình tốt, không ai nỡ lòng nào kéo mình xuống. Còn nếu đã dốt rồi mà cứ “đánh võng”, “lượn lờ”, chỗ cần nói không nói, chỗ nói lại không đúng, không thật, bao bao, đậy đậy thì không ổn.

Tiếp xúc với anh em báo chí thấy có rất nhiều người giỏi, rất nhiều người hiểu biết sâu sắc mà biết rồi người ta mới hỏi, mới chất vấn chứ không phải hỏi cho biết nên là người phát ngôn thay mặt cho Chính phủ thì nói phải đúng, phải thể hiện đúng tư tưởng, chỉ đạo của Thủ tướng. Trách nhiệm của tôi là truyền đạt, truyền tải cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và trung thực cho dư luận, cho xã hội.

Còn với cương vị Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhiệm vụ của tôi là chuyển động Văn phòng để làm sao cùng hoạt động nhịp nhàng với các Bộ, ngành, địa phương, để công việc trôi chảy chứ ví dụ cứ một văn bản gửi lên lại có một văn bản trả lời kiểu “giải quyết theo quy định của pháp luật” thì ai chẳng làm được. Phải có vướng mắc, không làm được, người ta mới hỏi mà trả lời một câu kiểu “đánh võng” như thế thì… botay.com.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Dân trí