VietTimes -- Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy (Tiền Giang), bao gồm cả kịch bản đặt thêm trạm thu phí và di dời tuyến tránh. Tuy nhiên cả 3 kịch bản đều khó thực hiện nên Thủ tướng đã yêu cầu dừng thu phí một tháng để rà soát lại tổng thể.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong buổi làm việc chiều qua (4/12) của Thủ tướng về vấn đề BOT Cai Lậy, Bộ GTVT đã đưa ra ba kịch bản để giải quyến vấn đề này.
Kịch bản thứ nhất, vẫn giữ nguyên trạm thu phí ở vị trí hiện tại, nhưng tăng cường vận động, cải thiện việc thu phí và phục vụ các nhu cầu của người tham gia giao thông. Ví dụ có chỗ cho lái xe dừng lại khi họ thắc mắc và nội dung thắc mắc sẽ được giải thích.
Kịch bản thứ hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh theo yêu cầu, tức là phá phương án tài chính cũ và tính toán lại. Theo ông Đông, kịch bản này phải thương thảo với nhà đầu tư vì liên quan đến thời gian thu phí, dễ ảnh hưởng đến việc hoàn vốn không đúng như cam kết của hiệp định vay vốn, ảnh hưởng đến nợ xấu của ngân hàng nên không khả thi.
Còn kịch bản thứ ba là sẽ đặt 2 trạm thu phí, một trạm trên quốc lộ 1 để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ; đồng thời, đặt một trạm trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến tránh.
"Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng thu phí từ 1 đến tháng để rà lại tổng thể, báo cáo Thường trực Chính phủ", ông Đông cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông.
"Cũng có bộ, ngành thiên về phương án này, phương án kia, tuy nhiên nhìn chung không ai nói Nhà nước sẽ mua lại dự án BOT Cai Lậy", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Thứ trưởng Đông giải thích, nếu điều chỉnh hoặc không thu phí BOT Cai Lậy thì nhà nước phải đền bù cho nhà đầu tư khoảng 1.398 tỷ đồng, trong đó phần đầu tư trên quốc lộ 1 là 380 tỷ, tuyến tránh khoảng 1.100 tỷ.
Theo ông Đông, hiện có 6 dự án BOT giao thông cũng trong tình trạng làm đường tuyến này nhưng đặt trạm thu phí trên tuyến khác để hoàn vốn. Nếu bỏ tiền mua lại 6 dự án này, nhà nước sẽ phải bỏ ra khoản kinh phí khoảng 32.000 tỷ đồng.
"Ta đang không có tiền nên huy động đầu tư mà giờ nhà nước lại cân đối tiền đó thì cực kỳ khó khăn và tạo gánh nặng cho ngân sách. Hơn nữa, các cơ quan chức năng vào thanh tra, kiểm toán BOT Cai Lậy đều khẳng định tuân thủ quy định của pháp luật", ông Đông nói.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn chiều ngày 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, đầu tư BOT Cai Lậy đã thực hiện đúng quy định, quy trình nhưng khi có ý kiến băn khoăn, chưa đồng tình, có kiến nghị từ phía nhân dân, doanh nghiệp thì phải lắng nghe để xem xét, đánh giá toàn diện từ đó đề ra những giải pháp tháo gỡ phù hợp. Thủ tướng nêu rõ việc luôn tôn trọng ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp để có giải pháp thấu tình, đạt lý, có sự đồng thuận, sự đồng cảm cao và chia sẻ từ phía xã hội là hết sức cần thiết.