Năm 2014, kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research) chỉ ra rằng Việt Nam là một đất nước lạc quan: 94% số người được hỏi tin rằng thế hệ sau sẽ được sống trong những điều kiện tốt hơn, đây là tỷ lệ cao nhất trong 44 quốc gia khắp thế giới được khảo sát. Hai năm sau, theo báo cáo của Nielsen, công ty đo lường và thông tin toàn cầu, Việt Nam đứng thứ bảy trong số các quốc gia có mức độ lạc quan cao nhất trên thế giới và đứng đầu về tiết kiệm.
Các kết quả này gây ngạc nhiên đối với nhiều người trong bối cảnh xã hội hiện tại có trăm ngàn khó khăn, mối nguy, trong cuộc sống hàng ngày (như an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập lụt…) và trong các vấn đề dài hạn (như khủng hoảng lòng tin bởi tham nhũng, nợ công cao, đạo đức suy thoái…).
Lạc quan là cảm nhận của tương lai
Lời lý giải đầu tiên cho sự khó hiểu này là bản chất người Việt Nam rất lạc quan, nó nằm trong “gen” của mỗi người. Khi ra nước ngoài, chúng ta thường được đánh giá trẻ hơn so với tuổi và được yêu mến vì luôn có nụ cười trên môi, vui cũng cười, được khen hay bị chê cũng cười. Nụ cười làm cho con người trở nên cởi mở, bao dung, lạc quan yêu đời và suy nghĩ tích cực về tương lai.
Có giải thích khác là lối sống cộng đồng, hội hè của người Việt như thường xuyên gặp nhau “chè chén” cũng dễ cho chúng ta lạc quan, yêu đời.
Thật ra đổ hết vào tính lạc quan là cách giải thích dễ dãi, người Việt Nam không lạc quan một cách hão huyền hoặc thiếu thận trọng.
Lạc quan hôm nay là kết quả của hơn 20 năm tăng trưởng kinh tế sau Đổi mới trong nước và hòa nhập quốc tế, đưa thu nhập trung bình của người dân tăng cao, giúp thoát khỏi cảnh nghèo đói, sẵn sàng tham gia mặt trận kinh tế thế giới qua các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tiết kiệm cũng là cảm nhận của tương lai
Nhưng mô hình phát triển kinh tế hiện nay - dựa trên vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và vay nợ ODA, dựa trên khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ - đang biểu hiện nhiều giới hạn và phát sinh nhiều hệ quả cho tương lai. Nếu không thay đổi chúng ta sẽ tụt hậu vì nguy hiểm bao vây tứ phía. Gươm Damoclès đang treo lủng lẳng trên đầu nền kinh tế quốc gia với nợ xấu, nợ công chồng chất, ngân sách thâm hụt tới mức báo động; các đe dọa an ninh, ổn định từ tình hình biển Đông; thiên tai và nhân tai liên tiếp xảy ra…
Để tiếp tục phát triển, Việt Nam cần phải chuyển sang mô hình kinh tế dựa trên sự sáng tạo và khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động và cải tạo lại cơ cấu kinh tế… Nhưng nếu những xu thế hiện nay vẫn tiếp tục thì Việt Nam khó tránh được suy thoái đang đe dọa trầm trọng.
Đất nước sẽ suy thoái sau 20 năm phát triển nếu không giải quyết được nạn tham nhũng thao túng bởi các nhóm lợi ích.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, người Việt Nam trở nên thận trọng, có phản ứng… tiết kiệm khi bắt đầu xuất hiện những khó khăn.
Lạc quan có thể bật ánh sáng nơi tăm tối
Việt Nam hội nhập quốc tế trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử nhân loại, trong đó thế giới thay đổi với tốc độ rất nhanh bởi sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông và toàn cầu hóa. Nó hướng tới một thế giới gần nhau hơn trong nhiều lĩnh vực từ văn hóa, thông tin khoa học - kỹ thuật đến các chế độ chính trị, cơ cấu xã hội và tổ chức kinh tế… Gia đình có truyền thống đầu tư vào việc học của con cái cùng với sự thông minh, hiếu học của giới trẻ là nguồn hy vọng của Việt Nam vì sẽ tạo được nhiều lợi thế trong kỷ nguyên thế giới số và kinh tế trí tuệ của thế kỷ 21.
Bàn về tương lai Việt Nam, không thể không đề cập tới tương lai của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)- đang phải đương đầu với những đe dọa khủng khiếp bởi hạn-mặn. Xâm ngập mặn và ngập lụt do lũ tràn về là hiện tượng thiên nhiên xảy ra hàng năm ở ĐBSCL. Năm 2016, hiện tượng này được xem như là nặng nhất trong vòng 100 năm qua và là biểu hiện cho hệ quả của biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa, thay đổi lưu lượng sông Mêkông và mực biển dâng cao lấn đất... Nhưng theo các chuyên gia nông nghiệp, “thiên tai” này không phải chỉ vì biến đổi khí hậu mà còn do yếu tố con người từ những sai lầm về chính sách trong mấy chục năm nay, như có quá nhiều đập được xây ở thượng nguồn (Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và cả Việt Nam), lấy ngọt chống hạn để biến tất cả đất đai có thể trồng trọt được thành ruộng lúa và thiếu quản lý để mạnh ai nấy làm trong lưu vực… Với mức độ có thể càng ngày càng nghiêm trọng, hạn-mặn sẽ gây xáo trộn rất lớn đối với điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái và đời sống kinh tế, văn hóa lâu dài của người dân Nam bộ.
Cha ông chúng ta đã chinh phục được miền đất phèn và mặn trong điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, cũng với tinh thần lạc quan và niềm tin yêu cuộc sống. Chắc chắn người dân ĐBSCL sẽ vượt qua tất cả những khó khăn hiện tại để xây dựng một nền kinh tế theo hướng bền vững. Cũng với sự năng động và lạc quan này, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã khẳng định “không sao, đây là cơ hội ngàn vàng để làm giàu” và đưa ra những ý kiến rất cụ thể để tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Lạc quan và tin tưởng vào tương lai, năng động và sáng tạo, kiên cường và đoàn kết để bảo vệ đất sống, người Việt sẵn sàng tham gia toàn cầu hóa - một bước quanh của lịch sử dân tộc. Nhưng để đạt được thắng lợi trong trận chiến kinh tế thế giới, Việt Nam cần một giới lãnh đạo có tầm nhìn xa và đúng, một đội ngũ chỉ huy trong sạch, quản lý giỏi và quyết liệt.
Theo TBKTSG