Yuanta: VN-Index đang bước vào giai đoạn tích lũy, kháng cự mạnh ở 1.260 – 1.265 điểm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Yuanta dự báo chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1.195 - 1.265 điểm trong tháng 8/2023, đồng thời cho biết triển vọng dài hạn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tích cực hơn.

Trong báo cáo chiến lược tháng 8/2023, Công ty Chứng khoán Yuanta (Yuanta) cho biết, đồ thị giá của chỉ số VN-Index đang bước vào giai đoạn tích lũy, khả năng sẽ biến động hẹp trong tháng này. "Tuy nhiên, chỉ số VN-Index có thể sẽ đối mặt với vùng kháng cự mạnh 1.260 - 1.265 điểm cho nên thị trường có thể sẽ điều chỉnh ở các phiên cuối tháng", báo cáo nêu.

Yuanta dự báo chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1.195 - 1.265 điểm trong tháng 8/2023. Đáng chú ý, xu hướng dài hạn của chỉ số VN30 đã được Yuanta nâng lên mức tăng, cho thấy triển vọng dài hạn của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tích cực hơn.

VNI 1.png
Đồ thị tuần của chỉ số VN-Index (Nguồn: Yuanta)

Theo Yuanta, các số liệu và chỉ báo vĩ mô trong tháng 7 vừa qua cho thấy những tín hiệu tích cực và sự hồi phục kinh tế trong nước so với những tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, lãi suất đang tiếp tục xu hướng giảm, tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn đang có độ trễ để giảm theo do tăng trưởng tín dụng đang khá chậm.

Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn, cho thấy các rủi ro vĩ mô tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 7/2023.

Một trong những nguyên nhân là do dòng vốn FDI bắt đầu quay lại một cách bền vững. Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký tính từ đầu năm tới 20/07/2023 đạt 16,24 tỉ USD, tăng 4.5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1,627 dự án được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 7,94 tỉ USD. Vốn giải ngân tính từ đầu năm tới 20/07/2023 đạt 11,58 tỉ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 7/2023, tổng vốn FDI đăng ký đã tăng mạnh, đạt 2,81 tỷ USD, vốn FDI được giải ngân tiếp tục duy trì mức tích cực, đạt 1,56 tỷ USD.

Hoạt động xuất nhập khẩu hồi phục với tốc độ chậm, trong khi tình hình thu hút vốn FDI đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 7, sau 3 tháng hồi phục liên tiếp trước đó.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã có sự cải thiện liên tục trong vài tháng gần đây nhờ tín hiệu tích cực từ dòng vốn FDI. Trong tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới lên tới 7,94 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo đã chiếm tới 85,3%.

Dù nhu cầu tiêu dùng trong nước đang tăng chậm trở lại nhưng lạm phát tháng 7 vẫn tăng so với tháng 6 song vẫn trong tầm kiểm soát. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của việc thiếu điện và nhu cầu ăn uống, vui chơi giải trí tăng trong kỳ nghỉ hè.

Các yếu tố vĩ mô khác liên quan lãi suất, tỷ giá, giá vàng vẫn ổn định theo xu hướng tích cực. Yuanta kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm, tạo đà hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng kém, dù tốc độ giảm sẽ chậm.

Tiến độ giải ngân đầu tư công trong tháng 7 nhanh hơn so với những tháng trước là một tín hiệu tích cực. Các động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản từ phía Chính phủ cũng đã có tác động tích cực hơn vào thị trường.

Theo Yuanta, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng như nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, trước bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu vẫn hồi phục chậm./.