Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Thủ tướng yêu cầu trong năm 2017, EVN tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành, công khai và minh bạch chi phí, giá thành, giá điện. Kiên quyết phòng chống tham nhũng, nhất là trong thực hiện cổ phần hóa và đầu tư xây dựng.
Thủ tướng lưu ý tập đoàn kiểm soát chặt chẽ dự toán chi, nhất là kinh phí họp, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, mua sắm xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền. Xây dựng văn hóa ngành điện vì dân, phục vụ nhân dân.
EVN được giao thực hiện tốt công tác tái cơ cấu tập đoàn, hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) trong năm 2017 và hai tổng công ty phát điện còn lại trong năm 2018. EVN sẽ chỉ nắm giữ các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc pòng, an ninh (6 nhà máy hiện tại) và các nhà máy điện liên quan đến phối hợp vận hành với các nhà máy điện này, lưới truyền tải và phân phối, còn lại cổ phần hóa khâu bán lẻ và dịch vụ.
Tập đoàn cũng được yêu cầu phải đẩy mạnh thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng các công trình điện, đặc biệt là đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành các nhà máy nhiện điện than. Khắc phục triệt để nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành của một số nhà máy điện, tuyệt đối không để việc sản xuất điện ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nhà máy.
Theo ghi nhận của Thủ tướng, trong năm 2016, tập đoàn đã đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân trong cả nước. Đến nay, tổng công suất nguồn điện hệ thống điện quốc gia đạt khoảng 41.600 MW, trong đó, EVN và các đơn vị thành viên đạt gần 26.000 MW, chiếm khoảng 62%. Điện thương phẩm năm 2016 tăng 10,9% so với năm 2015 và vượt 210 triệu kWh so với kế hoạch.
EVN đã đưa vào vận hành thêm 2.305 MW công suất nguồn điện mới, đặc biệt là đã hoàn thành dự án thủy điện Lai Châu - nhà máy thủy điện lớn cuối cùng ở Việt Nam, vượt trước thời hạn 1 năm, mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 5.000 tỷ đồng và đạt tiêu chí công trình chất lượng cao.
Trong năm, tập đoàn cũng đảm bảo cân bằng tài chính và kinh doanh có lợi nhuận. Năng suất lao động tăng 10,4% so với năm 2015. Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm xuống còn 7,7% (giảm 0,24% so với năm 2015), thấp hơn nhiều so với các đơn vị tương đương trong khu vực (Malaysia là 8,33%, Indonesia là 9,92%). Chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện được cải thiện, tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân giảm 25,1% so với năm 2015.
Thời gian giải quyết cấp điện đối với lưới trung áp bình quân chung hiện nay chỉ còn khoảng 7 ngày, ít hơn so với chỉ tiêu đề ra là 10 ngày, góp phần cải thiện Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam ở vị trí 96/190, tăng 5 bậc so với năm 2015.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thủ tướng, tuy hệ thống điện quốc gia đã có dự phòng nhưng mức độ dự phòng không đồng đều giữa các miền, truyền tải điện thường xuyên ở mức cao để đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam dẫn đến những nguy cơ mất an toàn trong vận hành hệ thống điện quốc gia.
Vẫn còn nhà máy nhiệt điện than do EVN đầu tư khi vận hành để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Mặc dù nỗ lực khắc phục nhưng đã gây dư luận không tốt tại địa phương. Ngoài ra, vẫn có những phản ánh tiêu cực về chất lượng thi công đường dây truyền tải điện nhất là về móng cột.
Năng lực cạnh tranh vẫn còn thấp, trong đó chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam vẫn ở vị trí thứ 6, nằm trong khu vực dưới của các nước ASEAN. Năng suất lao động ngành điện, EVN còn thấp hơn so với nhiều công ty điện tương đương tại một số nước trong khu vực ASEAN.