Muốn thực hiện, nên có thời gian chuẩn bị
Trước đó, Trường THPT dân lập Thành Nhân (Q.Tân Phú, TP.HCM) từng khảo sát 200 học sinh (HS) lớp 12 thì khoảng 70% có ý kiến phản đối thang điểm 20. Theo ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu phó nhà trường, HS cho rằng thang điểm này làm các em áp lực thêm, phải trình bày chi tiết hơn trong khi làm bài... “Nếu muốn thực hiện thì Bộ phải cho HS có thời gian chuẩn bị, làm quen, thông qua các bài kiểm tra học kỳ chẳng hạn”, ông Độ nhấn mạnh.
|
Tương tự, HS Thái Vĩnh Khang, lớp 12 Trường THPT dân lập Trí Đức (Q.Tân Phú), nói: “Chúng em đã quen với thang điểm 10 nên chưa hiểu thang điểm 20, cách tính điểm các ý trong bài sẽ như thế nào? Ngoài ra, dự thảo quy chế mới chỉ đưa ra thang điểm của bài thi, vậy còn điểm xét quá trình học tập sẽ tính theo thang điểm nào?”.
Khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng có thể sẽ giữ lại thang điểm 10, ông Phạm Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong (Q.7, TP.HCM), phấn khởi: “HS sẽ yên tâm hơn vì chưa từng tiếp cận với thang điểm mới”.
Nhiều HS sẽ chọn môn địa lý thi tốt nghiệp?
Còn với thông tin HS sẽ được mang Atlat địa lý vào phòng thi trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7, TP.HCM), tỏ thái độ đồng tình vì “trong chương trình dạy cũng như trong các bài kiểm tra trên lớp, HS vẫn được phép sử dụng tài liệu nói trên”. Ông Bình thông tin thêm, so với năm trước, năm nay số lượng HS đăng ký dự thi môn địa lý tăng hơn 3%, có thể sắp tới số HS lựa chọn môn này sẽ tăng lên khi được mang Atlat vào phòng thi.
Hiệu trưởng một trường THPT khác, cũng tại Q.7, cho biết tháng 12.2014 trường có thăm dò lựa chọn của HS thì thấy số HS chọn môn địa lý cao hơn năm trước. Tuy nhiên, sau đó Bộ thông tin trên báo chí là không được phép sử dụng Atlat, hầu như các em đã thay đổi lựa chọn. “Có khả năng, trong thời gian tới HS sẽ đăng ký trở lại. HS có tư duy khá một chút, chỉ cần học trong Atlat cùng những kiến thức cơ bản thì cũng có thể đạt điểm trung bình”, vị hiệu trưởng này phân tích.
Ý kiến Quan trọng hơn thang điểm là công nghệ đo lường Nếu những quy định không mang lại sự thay đổi cơ bản thì không nên làm cho nó rắc rối thêm. Nó không giúp thay đổi bản chất vấn đề trong khi người ta đã quen thuộc với thang điểm 10 rồi thì còn đổi sang thang điểm khác làm gì cho mất công? Một trong những yếu tố tham gia quyết định chất lượng kỳ thi là công nghệ đo lường. Điều này thể hiện ở việc lựa chọn môn thi, phương pháp ra đề và chấm thi. Việc Bộ chọn phương án 1 như năm nay có thể chia sẻ được khi mà chưa chuẩn bị kịp, nhưng lẽ ra trong dự thảo quy chế Bộ phải thể hiện lộ trình thay đổi phương án thi như Bộ trưởng từng hứa. Cụ thể, các năm sau sẽ chuyển dần sang phương án 2, chỉ 5 đề thi toán - tiếng Việt - ngoại ngữ - khoa học tự nhiên - khoa học xã hội, trong đó 2 đề sau là đề tích hợp. GS-TSKH Lâm Quang Thiệp Tán thành thang điểm 10 Việc điểm thi dùng thang điểm 20, còn điểm quá trình học tập ở lớp 12 dùng thang điểm 10 dẫn tới rắc rối khiến khi tính toán để xét tốt nghiệp người ta phải làm thêm một thao tác là nhân đôi điểm học lên hoặc chia đôi điểm thi xuống. Vì cái quy định này mà nhiều nhà giáo dục buộc phải suy nghĩ, liệu Bộ có định thay đổi thang điểm cho toàn bộ quá trình học trong bậc học phổ thông? Nếu nâng cả hệ thống điểm lên thành điểm 20 thì đó là một vấn đề lớn, có rất nhiều cái cần phải bàn. Cho nên tôi rất tán thành việc Bộ định trở lại thang điểm 10 như cũ. PGS Văn Như Cương Hoan nghênh khi cho HS mang Atlat địa lý Về việc Bộ dự định cho mang Atlat địa lý vào phòng thi, tôi cho đó là điều đáng hoan nghênh. Với giáo viên môn địa lý chúng tôi, Atlat là một công cụ dạy học rất hữu ích, rèn giũa và khai thác được nhiều kỹ năng cho HS, đặc biệt hình thành tư duy địa lý khi giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội. Nếu bỏ Atlat, rất dễ khiến môn địa lý chỉ đơn thuần là môn thuộc lòng. Khi Bộ có dự định bỏ Atlat, nhiều HS rất hoang mang. Việc Bộ cho mang Atlat địa lý vào phòng thi sẽ khiến nhiều học sinh rất vui. Cô Mã Thị Tới Lê Đăng Ngọc (ghi) |
Theo: Thanh niên