Ý kiến chuyên gia: tàu Hải Tuần 09 – công cụ để thực hiện Chiến lược vùng xám của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc Trung Quốc đưa tàu tuần tra biển lớp vạn tấn đầu tiên vào biên chế ở Quảng Đông, đánh dấu con tàu có trọng tải lớn nhất thế giới của Trung Quốc đã chính thức gia nhập đội ngũ tàu hoạt động trên Biển Đông.
Tàu Hải Tuần 09, tàu tuần tra 13 ngàn tấn Trung Quốc vừa đưa vào hoạt động ở khu vực Biển Đông (Ảnh: Dwnews).
Tàu Hải Tuần 09, tàu tuần tra 13 ngàn tấn Trung Quốc vừa đưa vào hoạt động ở khu vực Biển Đông (Ảnh: Dwnews).

Giới quan sát cho rằng, với tư cách là kỳ hạm trong hệ thống hàng hải của Trung Quốc, Hải Tuần 09 là một phần trong việc xây dựng lực lượng trên biển của Trung Quốc, được sự hậu thuẫn của Hạm đội Nam Hải và phối hợp với Hải quân Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền lợi biển, sẽ tăng cường đáng kể lực lượng chấp pháp ở Biển Đông, giúp họ sử dụng Chiến lược vùng xám để đạt được hiệu quả mở rộng chủ quyền ở Biển Đông.

Theo giới truyền thông, Hải Tuần 09 là tàu tuần tra biển lớn nhất, tiên tiến nhất Trung Quốc do Cục An toàn Hàng hải Quảng Đông quản lý. Nó có tổng chiều dài 165 mét, rộng 20,6 mét, sâu 9,5 mét, lượng choán nước đầy tải 13.000 tấn, có khả năng hoạt động liên tục trong 90 ngày, được trang bị cabin thông minh, hệ thống thủy pháo (vòi rồng) công suất lớn, xuồng cứu hộ, và có thể mang nhiều loại trực thăng.

Theo Nhân dân Nhật báo, con tàu đưa vào sử dụng sẽ tăng cường khả năng kiểm soát giao thông trên biển và ứng cứu khẩn cấp của Trung Quốc, đồng thời đảm bảo an toàn và thông suốt của các tuyến đường thủy quan trọng, ổn định chuỗi cung ứng logistic hàng hải quốc tế, sự phát triển của ngành vận tải biển, cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích biển của Trung Quốc.

Tàu Hải Tuần 09 được trang bị thủy pháo công suất lớn (Ảnh: Toutiao).

Tàu Hải Tuần 09 được trang bị thủy pháo công suất lớn (Ảnh: Toutiao).

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình nói, việc quản lý biển của Trung Quốc được chia thành ba loại: một là dựa vào Hải quân để bảo vệ các quyền và lợi ích biển; thứ hai là dựa vào Hải Cảnh sát biển, họ vừa có khả năng chống khủng bố và cứu viện khẩn cấp, bảo vệ lãnh thổ trên biển, cũng như khả năng cứu hộ và thực thi pháp luật trên biển; thứ ba là các tàu an toàn hàng hải thuộc Bộ Giao thông Vận tải, cũng có khả năng thực thi pháp luật nhất định, cũng như quản lý biển, giám sát tổng hợp. Ông cho rằng, tàu Trung Quốc được sắp xếp và phân loại theo các nguyên tắc trên, mô hình quản lý biển chia nhỏ này có thể giúp nâng cao hiệu quả duy trì an ninh biển nội địa của Trung Quốc, và Hải Tuần 09 thuộc loại thứ ba.

Tống Trung Bình nói: "Chiếc tàu này có thể đến quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) và Điếu Ngư (tức Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản kiểm soát), những vùng lãnh thổ biển xanh của Trung Quốc, để tiến hành các cuộc diễn tập thực thi pháp luật, quản lý thực thi các pháp luật khác nhau và tiến hành ứng phó cứu viện khẩn cấp… Và với tư cách là tàu tuần tra biển, nó cũng sẽ hỗ trợ tàu Hải Cảnh bảo vệ lợi ích lãnh thổ quốc gia trên biển của Trung Quốc".

Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự Trung Quốc (Ảnh: VOA).

Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự Trung Quốc (Ảnh: VOA).

Truyền thông Nhật Bản cũng rất quan tâm đến việc Hải Tuần 09 được đưa vào hoạt động. Tờ Sankei Shimbun ngày 25/10 đưa tin rằng tàu tuần tra vạn tấn này có thể được sử dụng để tăng cường các nhiệm vụ tuần tra của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng biển khác.

Hoạt động răn đe ở Biển Đông

Ông Ou Zhaowei, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Malaya, nói tàu Hải Tuần 09 có trọng tải lớn và có thể hành trình đến những nơi xa, điều này sẽ làm tăng đáng kể hoạt động tuần tra, giám sát ở Biển Đông và khả năng chỉ huy, tìm kiếm và cứu nạn và các ứng phó khẩn cấp.

Ông nói, hiện nay, hầu hết các tàu tuần tra biển trên thế giới đều có trọng tải nhỏ, trang bị vũ khí nhẹ, biên chế ít người nên không thể ở lâu trong khu vực biển tranh chấp. Khi chiếc Hải Tuần 09 vạn tấn xuất hiện ở Biển Đông, nó đã trở thành một "biểu tượng (icon)". Một khi tàu Trung Quốc có tranh chấp với các tàu tuần tra, tàu đánh cá hoặc tàu buôn của các nước khác trong Biển Đông, tàu Hải Tuần 09 có trọng tải lớn sẽ có tác dụng răn đe, các tàu thuyền nhỏ hơn của các nước sẽ e ngại khi tiếp cận nó.

Ông Ou Zhaowei nói: "Vì vậy, ngay cả khi Trung Quốc không cần sử dụng Hải quân, họ đã có thể chứng tỏ sức mạnh quốc gia của mình trên vùng biển khi tuần tra biển, và đó là nền tảng quan trọng để họ đặt chân ra đại dương, đặc biệt là vùng biển xa”.

Học giả Malaysia Ou Zhaowei (Ảnh: VOA).

Học giả Malaysia Ou Zhaowei (Ảnh: VOA).

Phó giáo sư Trần Văn Giáp (Chen Wenjia) ở Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Chính trị Đài Loan, chỉ ra rằng, ngoài cứu hộ hàng hải và điều trị y tế đơn giản, Hải Tuần 09 còn là tàu chỉ huy của đội tàu Hải Cảnh và tuần tra biển thực thi pháp luật ở Biển Đông. Đặc biệt, sau khi Luật Hải Cảnh được Trung Quốc ban hành và thực thi vào đầu năm nay, đã tạo cơ sở thống nhất và vững chắc cho lực lượng Hải Cảnh trong việc thực thi pháp luật trên biển, đồng thời cũng là vỏ bọc pháp lý cho thái độ cứng rắn của Trung Quốc trong tranh chấp trên biển.

Ông nói: "Lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc thời bình thực thi pháp luật trên biển. Theo Luật Hải Cảnh được ban hành vào ngày 1/2 năm nay, nó đóng vai trò là lực lượng dự bị cho Hải quân Trung Quốc trong thời chiến. Việc đưa Hải Tuần 09 vào hoạt động là một bộ phận rất quan trọng của việc xây dựng lực lượng Hải Cảnh".

Hiện Trung Quốc có 3 chiến hạm chủ lực mới trong Hạm đội Nam Hải hoạt động ở Biển Đông, bao gồm tàu ​​tấn công đổ bộ Type 075 Hải Nam (số hiệu 31), tàu khu trục tên lửa vạn tấn Type 055 Đại Liên (số hiệu 105), và tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo Type 094A Trường Chinh 18 (số 421) được trang bị nhằm tăng cường sức mạnh tác chiến của hạm đội và nâng cao khả năng đối phó với tình hình phức tạp trên Biển Đông.

Học giả Đài Loan Trần Văn Giáp (Ảnh: VOA).

Học giả Đài Loan Trần Văn Giáp (Ảnh: VOA).

Công cụ thực thi Chiến lược vùng xám

Ông Trần Văn Giáp nói tàu Hải Tuần 09 được sự hậu thuẫn của Hạm đội Nam Hải và phối hợp với lực lượng Hải quân để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi ở Biển Đông, hình thành Chiến lược vùng xám để mở rộng chủ quyền trên biển và từng bước xói mòn quyền và lợi ích của các quốc gia khác ở Biển Đông. Nó sẽ tiêu hao sức mạnh của việc thực thi và bảo vệ luật biển của các quốc gia khác, đồng thời làm suy yếu nhận thức của các nước về sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nó cũng giống như việc Trung Quốc cho máy bay bay quanh Đài Loan để làm suy yếu nhận thức của các nước về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm phạm Đài Loan và tiêu hao lực lượng phòng không của Đài Loan. Hai vấn đề này có những điểm giống nhau.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình cho rằng Hải Tuần 09 là tàu thực thi pháp luật biển và cứu nạn khẩn cấp thuộc Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, là tàu công vụ, khác với tàu Hải Cảnh là tàu quân sự. Tàu Hải Cảnh được trang bị hỏa lực nhất định, bao gồm thủy pháo (vòi rồng) và pháo cỡ nhỏ; tàu hải cảnh trong quá trình thực thi pháp luật, sử dụng vòi rồng để thực thi pháp luật chứ không phải là tàu vũ trang.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc chuyển đổi trang bị vũ khí cho các tàu tuần tra biển không phải là chuyện mới mẻ, thậm chí tàu tuần tra biển Gia Nghĩa 4000 tấn mới của Đài Loan cũng được trang bị "đạn tên lửa Trấn Hải" do Viện Khoa học Trung Sơn phát triển. Mặc dù theo luật quốc tế, tàu tuần tra biển và tàu cảnh sát biển không được trang bị vũ khí tấn công chính xác, nhưng súng máy và pháo cỡ nhỏ có thể được coi là "thiết bị thông thường". Các tàu tuần tra biển cũng thường có khả năng tấn công sau khi được trang bị và chuyển đổi thành lực lượng Hải quân thứ hai trong thời chiến.

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc áp sát, đe dọa tàu cá Philippines ở vùng biển gần Bãi cạn Scarborough (Ảnh: VOA).

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc áp sát, đe dọa tàu cá Philippines ở vùng biển gần Bãi cạn Scarborough (Ảnh: VOA).

Ou Zhaowei, một nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Malaya, nói Hải quân thứ hai là đề cập đến một tổ chức có thể được sử dụng để hỗ trợ tác chiến cho Hải quân trong chiến tranh. Mặc dù Hải Tuần 09 có thể tham gia tác chiến sau khi hoán đổi, nhưng nó chỉ có thể là một con tàu chỉ huy có thể tự bảo vệ, hoặc cứu người bị thương trong thời chiến, vì chức năng chính của con tàu này là cứu hộ trên toàn cầu, không phải để xử lý xung đột quân sự, vì vậy nó trang bị hỏa lực yếu.

Ông nói: "Lúc thường (tàu Hải Tuần 09) có thể có hiệu quả răn đe đối với các tàu tuần tra biển và tàu đánh cá ở Đông Nam Á, nhưng đối mặt với hải quân của (các quốc gia khác), con tàu này tốt nhất nên tránh xa (vì trang bị hỏa lực yếu)".

Thích hợp để thu thập thông tin tình báo

Ông Ou Zhaowei nói rằng do Hải Tuần 09 được trang bị vũ khí nhẹ, nó phù hợp hơn cho việc thu thập thông tin tình báo và đóng vai trò như một bộ đệm cho hải quân Trung Quốc và nước khác trước khi xảy ra xung đột. Ví dụ, trong trường hợp có tranh chấp, Trung Quốc có thể cử một tàu tuần tra biển tới trước để tìm hiểu tình hình, và sau đó triển khai hải quân ở phía sau.

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam xua đuổi tàu Hải Cảnh Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (Ảnh: VOA).

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam xua đuổi tàu Hải Cảnh Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (Ảnh: VOA).

Ou Zhaowei nói: "Trong trường hợp này, không nhất thiết muốn nâng xung đột trực tiếp lên mức độ can dự, nhưng họ có thể sử dụng điều này để kiểm tra và xem ý định của đối phương là gì".

Hải Tuần 09 là tàu tuần tra biển cỡ vạn tấn đầu tiên của Trung Quốc, nhưng các tàu Hải Cảnh cỡ vạn tấn của Trung Quốc gồm “Hải Cảnh 2901” và “Hải Cảnh 3901” mặc dù đều có lượng giãn nước 12.000 tấn nhưng chúng vẫn nhỏ hơn Hải Tuần 09. Khi tàu 2901 được đưa vào sử dụng năm 2015, nó đã vượt qua các tàu tuần tra Akitsushima và Shikishima do Cảnh sát biển Nhật Bản sở hữu vào thời điểm đó để trở thành tàu cảnh sát biển lớn nhất thế giới.

Ou Zhaowei nói rằng tàu Shikishima (PLH31), có lượng choán nước hơn 7.000 tấn, từng được biết đến là tàu tuần tra có trọng tải lớn nhất thế giới và khinh hạm lớn lớp Legend của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Mỹ cũng không quá 6.000 tấn. Vào thời điểm đó, Nhật Bản đã chế tạo Shikishima lớn như vậy để vận chuyển nhiên liệu hạt nhân từ nước ngoài đến các nhà máy điện hạt nhân trong nước, nó có mục đích đặc biệt nên trang bị và khả năng chiến đấu của nó mạnh nhất trong lực lượng Cảnh sát biển của Nhật Bản, nhưng Nhật chỉ đóng một chiếc. Vì vậy, sau khi hai tàu Hải Cảnh vạn tấn đã được đưa vào biên chế, việc Trung Quốc đóng thêm tàu Hải Tuần 09 có trọng tải 13.000 tấn có ý đồ gì mới là điều đáng bàn.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình nói, vùng biển của Trung Quốc bao gồm Hoàng Hải, Bột Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông, có diện tích 4,7 triệu km vuông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tài phán trên diện tích 3 triệu km vuông. Đặc biệt, Biển Đông có diện tích tương đối lớn nên Trung Quốc cần có tàu tuần tra biển có trọng tải lớn để tiến hành giám sát các tàu thuyền hoạt động bất hợp pháp, bao gồm cả giám sát môi trường biển. Khi Trung Quốc chế tạo Hải Tuần 09, nó đã được lên kế hoạch đảm nhiệm vai trò kỳ hạm trên biển có khả năng chỉ huy và quản lý mạnh mẽ.

Tàu Cảnh sát biển Nhật ngăn cản tàu Hải cảnh Trung Quốc đến gần đảo Senkaku (Ảnh: Kyodo).

Tàu Cảnh sát biển Nhật ngăn cản tàu Hải cảnh Trung Quốc đến gần đảo Senkaku (Ảnh: Kyodo).

Tống Trung Bình nhấn mạnh rằng Hải Tuần 09 có thể hành trình qua các đại dương, có nghĩa là nó có khả năng quản lý biển thực thi pháp luật chung và cứu hộ mạnh mẽ hơn các nước khác. Đây là điều có ý nghĩa quan trọng để Trung Quốc bảo vệ lãnh thổ trên biển và thực thi pháp luật.

Học giả Đài Loan Trần Văn Giáp, cho rằng sau khi Trung Quốc đưa tàu tuần tra biển lớn nhất thế giới này vào hoạt động sẽ thay đổi hoàn toàn hiện trạng của hệ thống tuần tra biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và làm nổi bật hiệu quả trong việc thực hiện Chiến lược vùng xám của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông cũng nhắc nhở rằng Hải Tuần 09 khi được trang bị vũ khí sẽ có khả năng tấn công và có thể được chuyển đổi thành lực lượng Hải quân thứ hai trong thời chiến. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của Biển Đông hoặc Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, các nước cũng có thể bắt chước Trung Quốc tăng cường xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển; do đó, có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.