Tại sao Nga, Trung Quốc điều tàu tuần tra "vòng quanh" Nhật Bản?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Gần đây, một đội 10 chiến hạm của Trung Quốc và Nga đã hoàn thành chuyến đi gần như vòng quanh đảo chính của Nhật Bản, mà hai nước cho là để bảo đảm sự ổn định của khu vực.
Hạm đội tàu của Nga, Trung Quốc đã đi qua eo biển Tsugaru vào ngày 18/10 (Ảnh: CNN)
Hạm đội tàu của Nga, Trung Quốc đã đi qua eo biển Tsugaru vào ngày 18/10 (Ảnh: CNN)

Tuy nhiên, theo giới phân tích, hoạt động của các chiến hạm Trung Quốc và Nga lại tạo hiệu ứng ngược, có nguy cơ làm bùng phát căng thẳng trong khu vực và càng khiến cho chính phủ Nhật Bản có thêm lý do mà họ cần để lý giải cho việc tăng chi tiêu quốc phòng để đối phó với những hoạt động quân sự tăng cường của Bắc Kinh.

Đây là lần đầu tiên mà các chiến hạm Trung Quốc và Nga tuần tra chung ở Tây Thái Bình Dương, trong đó đội thuyền băng qua eo Tsugaru chia tách đảo chính của Nhật Bản với đảo Hokkaido ở phía Bắc, sau đó hướng tới vùng biển phía Đông Nhật Bản, và cuối cùng băng qua eo Osumi nằm ngoài khơi đảo Kyushu ở phía Nam để trở về Trung Quốc.

Mặc dù tàu thuyền nước ngoài được phép đi qua eo Osumi và Tsugaru, vì cả hai đều là tuyến đường biển quốc tế, nhưng phía Nhật Bản lại theo dõi sát sao từng động thái của 10 chiến hạm trên.

“Điều này sẽ càng khiến cho Nhật Bản đi đến kết luận rằng Trung Quốc có khả năng gây ra mối đe dọa với họ và bởi vậy mà họ cần phải tăng chi tiêu quốc phòng và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với nó” – Drew Thompson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện là chuyên gia phân tích tại trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, ĐH Quốc gia Singapore, nhận định.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã mô tả cuộc tuần tra chung này là “bất thường.”

Hạm đội tàu Nga-Trung bao gồm nhiều chủng loại như khinh hạm, khu trục hạm, tàu hộ tống và tàu hỗ trợ, mỗi bên đóng góp 5 tàu.

Quân đội Trung Quốc nói rằng Hải quân hai nước đã tách đoàn ở biển Hoa Đông trong hôm thứ Bảy tuần trước.

“Hoạt động tuần tra chung và cùng di chuyển tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai bên trong kỷ nguyên mới, và tăng cường khả năng thực hiện nhiệm vụ chung của hai bên” – tuyên bố của Hải quân Trung Quốc nêu.

Bộ Quốc phòng Nga thì nói rằng mục đích của cuộc tuần tra chung là “duy trì hòa bình và sự ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và bảo vệ cơ sở cho các hoạt động kinh tế hàng hải của cả hai nước.”

Quá trình tăng cường sức mạnh của Nhật Bản

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã gia tăng trong những năm gần đây, trong lúc mà Bắc Kinh ngày càng quyết liệt trong các tuyên bố chủ quyền đối với những hòn đảo mà Nhật Bản quản lý.

Trung Quốc cũng tăng cường gây sức ép quân sự đối với Đài Loan, cử hàng chục chiến đấu cơ đi vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo tự trị này. Giới chức Nhật Bản trước đây từng liên kết tình hình an ninh của Đài Loan với Nhật Bản, nhấn mạnh rằng 90% năng lượng của Nhật Bản được nhập khẩu thông qua những khu vực xung quanh Đài Loan.

Mặc dù chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản không là gì nếu so với Trung Quốc, nhưng họ có nhiều nỗ lực tăng cường phòng thủ, mua thêm nhiều chiến đấu cơ F-35 từ Mỹ và cải biến các chiến hạm thành tàu sân bay. Tokyo cũng đang trong quá trình đàm phán mua thêm nhiều khinh hạm công nghệ cao và tàu ngầm- tất cả đều có thể giúp họ bơm sức mạnh vào những khu vực cách xa lãnh thổ của mình.

Tầm với của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã được nêu bật trong hôm đầu tuần này, khi mà một trong số các chiến hạm sắp được cải biến để chở theo chiến đấu cơ F-35 – tàu khu trục trực thăng JS Kaga – đã thực hiện cuộc tập trận chung với nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ ở Biển Đông.

Và trong suốt mùa Hè năm nay, lực lượng hải quân Nhật đã tham gia huấn luyện cùng các đối tác đến từ nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh, dẫn đầu bởi HMS Queen Elizabeth, và cả với các chiến hạm của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Bắc Kinh luôn theo dõi sát sao những sự kiện như vậy, và việc lập nhóm chung với chiến hạm Nga để tuần tra Tây Thái Bình Dương là một tín hiệu mà họ muốn gửi đi, rằng họ cũng có nhiều đối tác; theo Alessio Patalano, Giáo sư về chuyên ngành chiến tranh và chiến lược tại Viện King ở London, Anh.

“Mùa Hè năm nay, Mỹ và các đối tác đã nâng tầm đáng kể mức độ liên kết với nhau ở khu vực Tây Thái Bình Dương” – ông Patalano nói – “Đó là điều được xem như yếu điểm của Trung Quốc, bởi vậy cuộc tuần tra chung dường như là lời đáp trả.”

Nga và Trung Quốc đang có quan hệ đối tác về quân sự, và đã thực hiện hàng loạt các cuộc tập trận chung, đáng chú ý nhất là cuộc tập trận “Vostok 2018” giả định một trận chiến mà trong đó liên minh Nga-Trung cùng chiến đấu chống lại kẻ địch. Trong tháng 8 vừa qua, Nga và Trung Quốc một lần nữa tập trận chung, trong đó sử dụng một bộ tư lệnh và hệ thống kiểm soát chung, binh sĩ Nga tích hợp với các đội hình của phía Trung Quốc.

“Nói một đằng, làm một nẻo”

Tuyến đường mà nhóm tàu Nga-Trung đã đi qua, với eo biển Osumi nằm ở cuối hành trình, cùng việc băng qua eo biển hẹp Tsugaru nằm giữa đảo chính Honshu và Hokkaido, cũng thu hút được sự quan tâm đáng kể. Điều này là bởi, khi Hải quân Mỹ hay hải quân nước khác băng qua eo biển Đài Loan – nằm giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục – Bắc Kinh luôn lên tiếng chỉ trích đây là hành động gây bất ổn khu vực.

Ví dụ, sau khi Mỹ và Canada điều tàu băng qua eo biển Đài Loan hồi đầu tháng này, Chiến khu Đông bộ Trung Quốc cáo buộc hai nước này cấu kết để “gây rối” và “làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình và sự ổn định” của eo biển.

Trong khi đó, với chiều rộng 160 km ở điểm hẹp nhất, eo biển Đài Loan vẫn được coi là lớn nếu so với eo biển Tsugaru, vốn chỉ rộng 27 km ở điểm hẹp nhất.

Mặc dù chiến hạm Nga và Trung Quốc không hề vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng thông tin được đăng tải trên kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc đã cho thấy nhóm tàu này đi sát lãnh thổ Nhật Bản đến thế nào. Một phóng viên đã có mặt trên một trong số những tàu Trung Quốc trong lúc chúng băng qua eo Tsugaru, có thể trông thấy cả đường bờ biển của Nhật Bản.

Sau đó, khi đã băng qua eo biển này, vị phóng viên nọ nói “Giờ chúng tôi đã ở Tây Thái Bình Dương, và chúng tôi có thể nhìn thấy máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cách chúng tôi không xa ở phía sau. Chúng đã theo đuôi chúng tôi kể từ khi bắt đầu cuộc tuần tra. Ngoài máy bay, họ cũng cử nhiều tàu tới theo đuôi chúng tôi để thu thập thông tin tình báo.”

Theo ông Thompson, Trung Quốc không nên nói một đằng sau đó lại hành động một nẻo như vậy. Nếu như Trung Quốc và Nga cũng có thể hành động như vậy, thì Mỹ, Canada và hải quân các nước khác cũng có thể đi qua eo biển Đài Loan, hay thậm chí là Biển Đông.

“Chính họ đang coi đây như một hoạt động được quốc tế chấp nhận” – ông Thompson nói với CNN.