Xử lý 8 vụ can nhiễu tần số hàng không trong 6 tháng đầu năm 2015

6 tháng đầu năm 2015, Cục Tần số vô tuyến điện đã xử lý 83 vụ can nhiễu tần số. Trong đó có 8 vụ can nhiễu hàng không, 61 vụ can nhiễu thông tin di động, 6 vụ can nhiễu phát thanh truyền hình, 6 vụ can nhiễu quốc phòng, an ninh.
Trong 6 tháng cơ quan quản lý tần số đã xử lý 8 vụ can nhiễu hàng không.
Trong 6 tháng cơ quan quản lý tần số đã xử lý 8 vụ can nhiễu hàng không.

Đó là những thông tin được ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2015 và triên khai công tác 6 tháng cuối năm 2015 của Cục Tần số vô tuyến điện tổ chức sáng ngày16/7/2015tại Hà Nội.

Ông Hoan cho biết thêm, hiện nay Cục Tần số vô tuyến điện đang tiếp tục xác định nguồn nhiễu có hại gây ra cho mạng thông tin di động (băng 900MHz và 2100MHz) của Viettel, MobiFone, Vinaphone tại 50 điểm trên địa bàn Hà nội.

Vấn đề can nhiễu liên quan đến 3G đã gia tăng đột biến tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2015, đặc biệt bùng phát mạnh sau khi các nhà mạng viễn thông tiến hành thử nghiệm HSPA trên băng tần 900 MHz. Tại các khu vực nội thành Hà Nội, độ thâm nhập của sóng vô tuyến điện không vào đến những nơi mong muốn của người dân sử dụng di động nên người dân đã tự ý lắp đặt các thiết bị kích sóng (repeator). Theo khảo sát của Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực I, tại những khu vực người dân tự ý lắp đặt thiết bị kích sóng, mức tín hiệu của nhà mạng di động không đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ TT&TT đề ra.

Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, các vụ can nhiễu xảy ra xuất phát từ các trường hợp thiết bị không được cấp phép. Điều này chứng tỏ công tác phòng chống can nhiễu được thực hiện chưa tốt, trong đó có công tác quản lý thiết bị trong các khâu nhập khẩu thiết bị, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn, kiểm tra chất lượng thiết bị trước khi đưa vào sử dụng.

Tình trạng can nhiễu vô tuyến đến hệ thống thông tin di động hàng không và dẫn đường hàng không xảy ra khá nhiều lần. Trong đó, nguyên nhân chính là do các thiết bị vô tuyến điện, thiết bị điện tử như các đài phát thanh không dây, truyền thanh không dây, thiết bị mạng truyền hình cáp vị hở đầu nối truyền tín hiệu ra ngoài, các đầu thu truyền hình số không đạt chuẩn kỹ thuật, đèn neon tại các biển quảng cáo không đạt chất lượng gây ra.

Mới đây nhất, vào ngày 16/6/2015, vào khoảng thời gian từ 7h47 đến 8h05 đã xảy ra hiện tượng can nhiễu trên tần số điều hành bay tại khu vực Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Sự cố này khiến đài kiểm soát không lưu của sân bay Tân Sơn Nhất đã không thể liên lạc với các máy bay đang nằm trong vùng kiểm soát.

Tuy nhiên về sự cố này, trả lời phỏng vấn ICTnews chiều ngày 19/6/2015, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện khẳng định: "Không có tín hiệu ngoài gây nhiễu chèn sóng cho các đài thông tin vô tuyến điện điều hành bay tại sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng ngày 16/6/2015 như một số tờ báo điện tử đã đưa tin”.

Theo đó, kết quả kiểm soát tần số và phối hợp điều tra giữa Cục Tần số Vô tuyến điện và Cục Hàng không Việt Nam đã cùng xác định được kết quả nói trên. Việc điều tra nguyên nhân kỹ thuật khác đang được Cục Hàng không thực hiện, Cục Tần số Vô tuyến điện với chức năng quản lý nhà nước về tần số sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị của ngành hàng không trong quá trình điều tra.

Đồng thời, Cục Tần số Vô tuyến điện đã cấp các tần số dự phòng cho hệ thống thông tin hàng không sử dụng ngay trong trường hợp bị can nhiễu, vì vậy không có tình trạng uy hiếp an toàn hoạt động bay.

Minh Quyên theo ITCNew