Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Khánh nhấn mạnh dữ liệu số là thành phần quan trọng, cốt yếu, luôn được chú trọng xây dựng và phát triển trong hơn hai thập kỷ qua.
Theo đó, quá trình triển khai xây dựng dữ liệu số ở Việt Nam có thể chia thành 4 giai đoạn, gắn liền với mức độ trưởng thành phát triển dữ liệu làm nền tảng của các thời kỳ.
Đầu tiên là giai đoạn cơ sở dữ liệu xây dựng một lần. Nhóm này đặc trưng cho việc phát triển các cơ sở dữ liệu ở thời kỳ đầu.
Theo đó, dữ liệu được thu thập một lần qua các đợt thu thập, số hoá, đo đạc, khảo sát… và đưa vào các cơ sở dữ liệu lưu trữ, khai thác. Dữ liệu sử dụng chủ yếu cho việc thống kê, xuất bản ấn phẩm và gần như không được cập nhật hoặc chỉ cập nhật theo đợt với thời gian dài.
Giai đoạn thứ hai là cơ sở dữ liệu trong các hệ thống thông tin. Khi ứng dụng công nghệ thông tin từng bước được phát triển mạnh trong cơ quan nhà nước, các hệ thống thông tin từng bước hình thành và đã góp phần đắc lực phục vụ các hoạt động của các bộ, ngành, địa phương. Các hệ thống thông tin lớn được xây dựng kèm với các cơ sở dữ liệu riêng của nó đã thu thập, lưu trữ được lượng lớn dữ liệu.
Tuy nhiên, dữ liệu ở giai đoạn này chủ yếu luân chuyển trong nội bộ hệ thống, trong phạm vi nghiệp vụ, cơ quan nhà nước. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn hạn chế, thiếu tính tương thích về tiêu chuẩn dữ liệu và sử dụng cho mục đích khai thác. Điển hình cho một số cơ sở dữ liệu là cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu ngành bảo hiểm, thuế…
Giai đoạn thứ ba là giai đoạn cơ sở dữ liệu làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Giai đoạn này chỉ hình thành rõ rệt khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không được xây dựng riêng cho một hệ thống hoặc hoạt động nghiệp vụ cụ thể nào mà được xác định làm cơ sở để triển khai nhiều hoạt động, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử.
Cơ sở dữ liệu làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử khác với các cơ sở dữ liệu trong giai đoạn trước khi được xây dựng phục vụ đa mục đích, cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu được chuẩn hoá và cung cấp rộng rãi cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, các nhân có nhu cầu để phát triển các ứng dụng, dịch vụ. Dữ liệu được chia sẻ trực tuyến, thời gian thực và chuẩn hoá theo tiêu chuẩn về cấu trúc dữ liệu thống nhất, đồng bộ.
Cuối cùng là giai đoạn dữ liệu làm nền tảng chuyển đổi số quản trị công và phát triển kinh tế số, xã hội số. Giai đoạn này được biểu hiện rõ khi chuyển đổi số đã triển khai sâu, rộng vào đời sống xã hội; dữ liệu ngày càng được thu thập, dồi dào trong xã hội và có sự kết hợp với sự tiến bộ của khoa học công nghệ khi các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn được sử dụng phổ biến.
Dữ liệu được thu thập nguyên trạng từ thực tế đời sống xã hội, được khai thác để giải quyết các vấn đề của xã hội, thúc đẩy sự sáng tạo trong xã hội. Trí tuệ nhân tạo sẽ thông minh hơn nhờ có nhiều dữ liệu; quản trị công sẽ tốt hơn nhờ dữ liệu; định hướng kinh doanh sẽ tối ưu hơn nhờ dữ liệu; ngành nghề mới ra đời nhờ dữ liệu; đời sống con người sẽ tốt hơn nhờ dữ liệu.
"Xây dựng dữ liệu là xây dựng nền tảng để phát triển xã hội. Tại Việt Nam, giai đoạn này đang được định hướng triển khai trong các Chiến lược về chuyển đổi số đã được ban hành", ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng phòng Hạ tầng và Dữ liệu số, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh.
Dữ liệu có vai trò lớn trong tiến trình chuyển đổi số
Theo ông Nguyễn Trọng Khánh, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chuyển từ giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin hay tin học hóa, sang giai đoạn chuyển đổi số.
Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và sự ra đời của nhiều công nghệ số mới, những nhìn nhận, cách tiếp cận về dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số cũng có sự thay đổi nhất định.
Trong tin học hoá, dữ liệu chỉ là một cấu phần của một hệ thống, là công cụ để thay đổi phương tiện làm việc, giúp con người làm việc một cách nhanh hơn, đơn giản hơn. Còn trong chuyển đổi số, dữ liệu đóng vai trò vừa là đầu vào, vừa là đầu ra của các hoạt động kinh tế số, xã hội số.
Ông Khánh nhấn mạnh, dữ liệu hoá là không phải là số hóa mà là sự biến đổi, phát sinh dữ liệu ngay từ nguồn, trong quá trình hoạt động và không qua trung gian bằng giấy.
Trước kia, thông thường để tin học hoá ta cần thu thập, hoàn thiện dữ liệu mới đưa vào sử dụng. Trong chuyển đổi số, quá trình thu thập, khai thác, sử dụng diễn ra đồng thời, liên tục và lặp lại.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số đã nâng cao vai trò của dữ liệu, không chỉ giúp ta nhớ nhanh, nhớ lâu, nhớ chính xác mà còn tác động, định hướng đến cách nghĩ, cách làm việc và tạo ra các giá trị mới.
Cuối cùng, dữ liệu số vẫn là dữ liệu nhưng bổ sung thêm nội hàm ứng dụng công nghệ số mới kết hợp với khoa học dữ liệu để tạo ra các giá trị mới và giải quyết trực tiếp các bài toán thực tiễn, bài toán phát triển kinh tế, xã hội./.