Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin phía Nam cho rằng, với xu thế công nghệ 4.0, cần phải khai thác tất cả những lợi thế mà công nghệ mang lại nhưng phải trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn.
Khác với những an toàn thông tin thông thường đang thực hiện hiện nay, khi chủ yếu là của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, đô thị thông minh là tổng hòa tất cả mọi người tham gia, tính kết nối thông tin, phổ cập rộng nên nguy cơ cũng lớn hơn.
Theo ông Nguyễn Quyền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, cần phải định hình rõ một “chuẩn” về đảm bảo an toàn thông tin với các quy định cùng những hướng dẫn cụ thể như không nhấp vào các đường link, website, email lạ; thận trọng khi sử dụng các USB trong các thiết bị của cơ quan, đơn vị… Đôi khi, chỉ những vấn đề tưởng nhỏ nhưng có thể phát sinh ra một cuộc tấn công mạng quy mô lớn, gây thiệt hại nặng nề. Về công tác ứng phó, ông Quyền cho rằng, hiện các đơn vị thường xuyên diễn tập xử lý sự cố tấn công mạng là một việc cần thiết, nhưng đó mới là bước sau. Quan trọng nhất là cần có cơ chế phối hợp với nhau để xử lý sự cố. Trong đó xây dựng hệ thống cảnh báo, chia sẻ thông tin về nguy cơ cao từ các lỗ hổng bảo mật của hệ thống để chủ động phòng ngừa.
Tại hội thảo, nhiều vấn đề nóng của an toàn thông tin, công nghệ mới được các chuyên gia, các hãng bảo mật đưa ra cùng với nhiều giải pháp trọng tâm để cân bằng giữa vấn đề phát triển và an toàn thông tin. Trong đó, nhiều chuyên gia nhấn mạnh giải pháp về cơ chế chính sách, luật lệ liên quan an toàn thông tin cho tất cả đối tượng như người dân, chính quyền, nhà cung cấp dịch vụ, đặc biệt là xây dựng một khung an toàn thông tin cho đô thị thông minh.
Theo Khoa học và Phát triển
http://khoahocphattrien.vn/thoi-su-trong-nuoc/xay-dung-do-thi-thong-minh-dinh-hinh-ro-chuan-an-toan-thong-tin/20170811065246446p882c918.htm