Vướng mắc thủ tục, FDI vào các KCN-KCX TP. HCM giảm mạnh

VietTimes -- Theo Ban quản lý Khu chế xuất – Khu công nghiệp TPHCM (Hepza), những vướng mắc liên quan đến các quy định trong Luật khiến vốn đầu tư vào các Khu công nghiệp - Khu chế xuất (KCN-KCX) giảm mạnh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, việc các cơ quan chức năng chậm chạp trong việc điều chỉnh các quy định trong Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp… khiến các doanh nghiệp lớn e dè trong việc đầu tư tại TP. HCM.

Ngoài ra, tâm lý chờ đợi những tín hiệu khả quan của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng ảnh hưởng một phần đến hoạt động đầu tư thời gian gần đây.

Được biết, tính đến hết tháng 9-2016, tổng vốn thu hút đầu tư tại các KCX-KCN chỉ mới đạt 354,77 triệu USD, mới chỉ đạt được 50,65% so với mục tiêu đặt ra trong cả năm 2016 là 700 triệu USD.

Trong đó, với đầu tư nước ngoài có 14 dự án mới, 23 dự án điều chỉnh vốn, đạt tổng vốn đầu tư 161,17 triệu USD, giảm 67,4% so với cùng kỳ 2015. Với đầu tư trong nước, có 50 dự án mới, 18 dự án điều chỉnh vốn, đạt tổng vốn đầu tư 187,05 triệu USD, giảm 26,9% so với cùng kỳ 2015.

Việc vốn đầu tư FDI vào các KCN-KCX giảm khiến diện tích đất cho thuê tại các KCX-KCN giảm theo. Trong 9 tháng qua diện tích đất cho thuê của các KCX-KCN của thành phố chỉ đạt 50,12 héc ta, giảm 57,71% so với cùng kỳ năm ngoái. Và cùng thời gian này, diện tích nhà xưởng xây sẵn cho thuê tại đây chỉ đạt khoảng 39.940 mét vuông, giảm 25,52%.

Hepza dự báo tình hình này vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng còn lại của năm.

Hiện, Hepza đang hi vọng các bộ ngành liên quan của thành phố nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đầu tư cho doanh nghiệp, nhất là vấn đề liên quan đến những quy định thuê đất trong các KCX-KCN; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, cải thiện trang thiết bị công nghệ sản xuất; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà xưởng cao tầng kết hợp hoàn thiện khu công nghiệp mới để đáp ứng đa dạng nhu cầu thuê đất của doanh nghiệp.

Tính đến hết tháng 9, tại các KCX-KCN có 1.413 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9,317 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 564 dự án, vốn đầu tư đăng ký là 5,47 tỉ đô la Mỹ; dự án có vốn đầu tư trong nước là 849 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 57.597 tỉ đồng (khoảng 3,83 tỉ đô la Mỹ).

Hiện có gần 1.160 dự án đang hoạt động; 19 dự án đang xây dựng cơ bản, 121 dự án chưa triển khai (trong đó 85 dự án trong thời hạn triển khai theo giấy phép, 13 dự án đã gia hạn thời gian triển khai, 23 dự án đã quá hạn); 63 dự án ngưng hoạt động; 19 dự án tạm ngưng hoạt động và 32 dự án đang thực hiện thủ tục giải thể (còn tồn tại theo Luật Đầu tư 2005).

Trong số 64 dự án được cấp mới, có 12 dự án đã hoạt động, 8 dự án đang triển khai xây dựng, 4 dự án đang cải tạo nhà xưởng và 40 dự án đang khảo sát, lập thiết kế để xin giấy phép xây dựng.