Trao đổi riêng với VietTimes về vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra chiều 18/3 giữa xe cứu hỏa và xe khách, Luật sư Trương Thanh Đức -- Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng không ai bàn cãi việc xe cứu hỏa đi vào đường cao tốc. Tuy nhiên, không thể lí luận một cách đơn giản và thuần túy như vậy, mà cần phải xét đến cả yếu tố các phương tiện trên cao tốc đều đang di chuyển hợp pháp tại thời điểm xảy ra tai nạn. Và trong trường hợp cụ thể này, xe cứu hỏa đã di chuyển bất hợp pháp. Còn tài xế xe khách đang điều khiển xe hợp pháp, đi trên đường hợp pháp, tốc độ hợp pháp, không có bất cứ một sai phạm gì liền trước khi tai nạn xảy ra, nên không thể xác định tài xế xe khách vi phạm pháp luật.
Luật sư Trương Thanh Đức phân tích, xe ưu tiên được quyền đi vào đường cao tốc, điều này được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ 2008. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần, lái xe cứu hỏa không phải vì thế mà được phép bất chấp nguy hiểm, thiệt hại về tính mạng, tài sản của người khác và bản thân mình.
Xảy ra vụ tai nạn, lái xe cứu hỏa đã không đảm bảo được 2 điều kiện đủ để việc di chuyển ngược chiều hợp pháp trên đường cao tốc: Không gây ra tình huống nguy hiểm mà không thể tránh được và Không tạo ra cản trở cho các phương tiện khác.
Trên đường phố nội thành, các phương tiện đang di chuyển tốc độ 30 – 40km/h, có thể dừng, có thể nhường đường mà họ không dừng, không nhường thì đó mới là phạm luật. Còn trong trường hợp cụ thể này, trên đường cao tốc, tốc độ tối đa cho phép lên tới 100 km/h thì không tài xế nào có thể xử lý được.
Trên đường cao tốc, các xe được phép chạy tốc độ cao, nên việc chạy ngược đường sẽ rất nguy hiểm, chưa kể khi xuất hiện phương tiện lấn làn. Luật quy định xe cứu hỏa được phép lấn làn, nhưng chỉ trong những điều kiện cụ thể. “Quan trọng nhất là đặt ra điều kiện để đảm bảo giảm thiểu rủi ro, cứu nạn cứu hộ, để giảm thiểu thiệt hại, chứ không phải làm tăng thêm nguy cơ thiệt hại”, Luật sư Đức nhấn mạnh.
Làm rõ thêm về yêu cầu này, Luật sư Đức lấy ví dụ về các trường hợp phòng vệ chính đáng có quyền gây ra thương tích cho người khác nhưng chỉ trong những trường hợp, điều kiện cụ thể; hay cảnh sát truy bắt tội phạm có quyền bắn người, nhưng không thể chĩa súng vào giữa đám đông để bắn tội phạm, bởi sẽ để lại những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
“Chuyện này cũng vậy, về mặt nguyên tắc, không ai bàn cãi việc xe cứu hỏa đi vào đường cấm, nhưng không thể lí luận một cách đơn giản như vậy để rẽ sang thẳng làn ngoài cùng trên đường cao tốc với tốc độ cao và đi cắt mặt các phương tiện khác. Ví dụ, lúc đó, xe cứu hỏa có thể đi men đường, bật đèn sáng, còi hụ, để gây chú ý”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.