Sau chỉ đạo của Tổng Bí thư là cần làm sáng tỏ vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng và ông Trịnh Xuân Thanh thì đến nay đang ngày càng cho thấy “có nhóm lợi ích” trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, khi mới có chỉ đạo về vụ việc này, cả ông Vũ Huy Hoàng lẫn lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đều cho rằng đây là việc làm “đúng quy trình”. Là người làm công tác kiểm tra lâu năm, theo ông đây có phải là kẽ hở trong công tác tổ chức của chúng ta không?
- Trước tiên, chúng ta phải hiểu quy trình là gì? Quy trình là các công đoạn thực hiện một quá trình chế tạo ra một sản phẩm. Nó cũng là các bước thực hiện để đạt tới một kết quả. Để có một cán bộ tốt cho một đơn vị, hay đơn giản, để chọn một cán bộ thì phải qua nhiều khâu: khâu xem xét, tuyển chọn, đề bạt, bổ nhiệm. Đấy là quy trình.
Vì tôi cũng chỉ tiếp xúc với sự việc này qua các kênh thông tin đại chúng, nên không nắm được đầy đủ toàn bộ vấn đề. Cho nên, để kết luận việc ông Vũ Huy Hoàng và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang khẳng định “đúng quy trình” là sự thật hay chỉ là ngụy biện thì phải đi kiểm tra tất cả các khâu.
Các khâu ấy gồm những điểm sau: Trước hết là khâu phát hiện, làm thế nào để phát hiện được đấy là người có những phẩm chất tốt; Sau khi phát hiện thì đến khâu tuyển chọn. Muốn tuyển chọn được, cần phải xem đối tượng mình tuyển chọn ấy có ưu điểm, nhược điểm gì theo trình bày của đương sự; Tiếp theo là thẩm tra, xác minh rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Để có thể chọn được một người vào một vị trí tương xứng, quy trình bắt buộc phải là như thế.
Hiện tại, các cơ quan chức năng đang vào cuộc và bước đầu Ủy ban Kiểm tra đã xác minh ông Trịnh Xuân Thanh không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Trước đó, ông này đã bị cho thôi chức Phó chủ tịch Hậu Giang. Tiếp theo nữa, ông Trịnh Xuân Thanh có trách nhiệm với Công ty PVC như thế nào cần chờ kết quả kiểm tra.
Tôi được biết, có một đoàn liên hợp do Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì, gồm có nhiều thành viên của các cơ quan chức năng khác nhau đang tiến hành điều tra, làm rõ và mong rằng đoàn kiểm tra sẽ làm việc một cách công tâm, khách quan và có kết luận thỏa đáng để tạo niềm tin cho người dân và Đảng viên.
Hiện nay, “tư duy nhiệm kỳ”đang tạo ra kẽ hở cho môt số cán bộ lãnh đạo thoái hóa biến chất “vun vén” cho con cháu, cho những thuộc hạ thân tín để “hạ cánh” an toàn. Thưa ông, liệu rằng với những cán bộ như ông Vũ Huy Hoàng đã nghỉ công tác rồi thì sao?
- Cụm từ “tư duy nhiệm kỳ” đã đi vào trong các văn bản chính thống của Đảng và chính quyền, đã vang lên trên các diễn đàn Quốc hội. Tức là, hiện nay trong một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức , có quyền đã xuất hiện “tư duy nhiệm kỳ”. Ở đây, tôi chỉ nói thêm “tư duy nhiệm kỳ” là một loại bệnh mà Đảng đã chỉ rõ ra rồi, bây giờ cần phải khắc phục. Nếu không, sẽ khiến cho mọi người trở nên vô trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.
Trong thời gian trước đây có nhiều vụ việc, tuy người gây ra đã về hưu rồi, nhưng vẫn được đem ra xem xét và tùy theo mức độ sai phạm mà xử lý hành chính hay hình sự. Vì vậy, những cán bộ như ông Vũ Huy Hoàng liệu có “hạ cánh” an toàn không? Tôi khẳng định là không ai có thể “hạ cánh” an toàn, nếu vi phạm pháp luật.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ việc tương tự như vụ ông Vũ Huy Hoàng là do các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa nghiêm. Đơn cử như vụ vỡ đường ống nước sông Đà: 18 lần sai phạm, nhưng các cựu lãnh đạo VINACONEX vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì “phạm tội lần đầu, khai báo thành khẩn, có nhân thân tốt và có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng”. Theo ông, làm như vậy liệu có tạo ra tiền lệ cho việc mọi người không bình đẳng trước pháp luật?
- Theo quy định của Đảng và pháp luật Việt Nam thì “sai đến đâu, xử đến đó”. Những yếu tố có thể “tăng nặng” hay “giảm nhẹ”, cũng được pháp luật quy định rõ ràng. Nước ta đã từng có trường hợp cá nhân được phong Anh hùng, nhưng vì vi phạm pháp luật mà bị tước danh hiệu. Cho nên, không thể nói “có tội lần đầu” mà giảm nhẹ hay bỏ qua được.Theo tôi, những sự việc như vỡ đường ống nước Sông Đà thì nên đặt tất cả “lên bàn” để làm sáng tỏ mọi việc.
Còn vụ việc liên quan đến ông Vũ Huy Hoàng thì hiện nay, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Ông Hoàng có vi phạm pháp luật không? Việc này, Đoàn kiểm tra cần có kết luận.
Trước đây, có nhiều vụ việc mà những cán bộ gây ra, dù đã “hạ cánh”, nhưng có được an toàn đâu. Vẫn được xem xét, xử lý đấy thôi. Ví dụ như “vụ Thủy cung Thăng Long”, “vụ án Năm Cam và đồng bọn”, hàng loạt nhân vật dù đương chức hay đã “hạ cánh” vẫn được xem xét, xử lý nghiêm minh.
Thưa ông, trong vụ việc ông Vũ Huy Hoàng và ông Trịnh Xuân Thanh, Bộ Nội vụ, cơ quan "gác cổng" về vấn đề tổ chức cán bộ cho Chính phủ, có trách nhiệm gì không?
- Trong vụ việc này, theo tôi các tổ chức, cơ quan có liên quan đến công tác quản lý cán bộ cần phải được xem xét trách nhiệm, không chỉ có Bộ Nội vụ, mà các cơ quan khác như Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thi đua Khen thưởng…
Vì vậy, những việc lùm xùm như vậy sẽ không xảy ra, nếu các cơ quan này làm đến nơi đến chốn và đúng quy trình, với trách nhiệm cao. Chỉ đạo của Tổng Bí thư rất hợp lòng dân, hợp lòng cán bộ, đảng viên. Các cơ quan có trách nhiệm, có liên quan phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư, phải vào cuộc quyết liệt để làm rõ mọi vấn đề liên quan, quy trách nhiệm cụ thể đối với từng vấn đề để xử lý nghiêm minh và công bằng.
Theo tôi, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên kiểm tra ông Vũ Huy Hoàng theo mấy hướng sau: Thứ nhất, trách nhiệm quản lý tất cả các tập đoàn, Tổng công ty của Bộ Công Thương mà ông Hoàng là người đứng đầu. Trước đây, những Tập đoàn, Tổng công ty như Vinashin, Vinalines đều do Thủ tướng quản lý, nhưng sau này đã đưa về các bộ chủ quản nên cần làm rõ trách nhiệm của ông Hoàng, ông Thanh trong vấn đề này. Thứ hai, vấn đề “bố bổ nhiệm con” của ông Hoàng. Mặc dù ông Hoàng đã về hưu, nhưng vẫn phải bị xử lý nghiêm khắc, nếu ông ấy sai phạm.
Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Đình Hương: Phải xử lý nghiêm ông Vũ Huy Hoàng, nếu có vi phạm
“Vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh về hình thức là đúng quy trình, nhưng bản chất của nó là sai hoàn toàn, không thể chối cãi được. Thứ nhất, một cán bộ dưới quyền để thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng mà ông Vũ Huy Hoàng nói không biết, rồi đồng ý cho luân chuyển về Hậu Giang làm Phó chủ tịch là một điểm đáng bị xử lý kỷ luật rồi. Thứ hai, nếu ông Hoàng biết rõ ông Trịnh Xuân Thanh làm thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng mà vẫn “cho về” Hậu Giang làm Phó Chủ tịch, rồi ứng cử và được bầu làm đại biểu Quốc hội thì lại càng phải bị xử lý kỷ luật nữa.
Tuy nhiên, theo tôi, muốn kỷ luật ông Hoàng thì trước hết phải xử lý ông Trịnh Xuân Thanh một cách nghiêm khắc. Phải xem xét nghiêm túc, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật (mà theo tôi đã có rồi) thì cần phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra xem đứng đằng sau vụ này còn ai nữa.
Trước đây, chúng tôi đã làm nhiều vụ rồi, điển hình là vụ “Thủy cung Thăng Long”. Vụ này chưa mất gì, chưa thiệt hại gì, nhưng ông Ngô Xuân Lộc, khi ấy đang là Phó thủ tướng Chính phủ (người ký quyết định cho xây dựng “Thủy cung Thăng Long”) đã bị bãi chức. Hay như vụ án Lã Thị Kim Oanh “chỉ mất” 40 tỷ, chừng ấy tiền, giờ chỉ bán một miếng đất là đủ, thế nhưng một ông Bộ trưởng đã phải từ chức. Như vậy, vụ Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh còn lớn hơn nhiều.
Những vụ việc như thế này các cơ quan bảo vệ pháp luật phải xử lý nghiêm. Đừng để dư luận đặt vấn đề, hai thanh niên cướp mấy cái bánh mỳ thì xử tù, còn những cán bộ làm thất thoát tiền của của nhân dân thì “xí xóa” vì “vi phạm lần đầu, thành khẩn…”.
Rồi cả những trường hợp như ông Võ Kim Cự, nguyên Chủ tịch Hà Tĩnh trong vụ Formosa ấy. Ông ấy phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân chứ. Ông ấy là người chủ trì, ký trình các cấp có thẩm quyền cho phép Formosa làm những việc trái với quy định, vượt thẩm quyền, sai với những tiêu chuẩn về môi trường… Tôi tin là rồi đây các cơ quan chức năng sẽ xem xét về những việc làm của ông này”.