Vụ thảm sát ở Bình Phước: Nghi phạm thứ ba khai đã từng thực hiện mưu đồ

Sáng 10-8, Đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước xác nhận đã khởi tố, bắt tạm giam bốn tháng đối với Trần Đình Thoại để điều tra về tội giết người, cướp tài sản.
Trần Đình Thoại
Trần Đình Thoại

Trước đó, tối 9-8, Thoại bị bắt do có liên quan đến vụ thảm sát sáu người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ ở xã Minh Hưng (Chơn Thành) rạng sáng 7-7.

Thoại năm nay 27 tuổi, hộ khẩu thường trú xã Thới Hòa, Trà Ôn, Vĩnh Long; tạm trú phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM. Đây là bị can thứ ba bị khởi tố trong vụ án này, cùng với Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến.

Đã đến hiện trường định gây án

Theo một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước, qua lời khai, bước đầu xác định Thoại và Dương đã bàn bạc kế hoạch gây án nhiều ngày trước đó. “Đêm 5-7, Dương đã chở Thoại đến nhà ông Lê Văn Mỹ và gọi điện thoại cho cháu Dư Minh Vỹ ra mở cửa nhưng có thể lúc đó cháu Vỹ ngủ say nên không nghe máy. Đợi không được, Dương và Thoại quay trở về TP.HCM. Đến ngày 6-7, Dương tiếp tục rủ Thoại nhưng Thoại không đi nữa. Sau đó, Dương quay ra rủ Tiến và ngày 7-7, Dương cùng Tiến đã gây ra vụ thảm sát. Việc Thoại không gây án đêm 5-7 vì lý do khách quan là cháu Vỹ không mở cửa” - vị lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước thông tin.

Theo nguồn tin từ cơ quan điều tra, việc bắt Thoại là từ kết quả kiên trì đấu tranh lấylời khai củacơ quan điều tra đối với hai bị canDương và Tiến.

“Dương kiên quyết không khai gì về Thoại. Phải gần một tháng cơ quan điều tra đấu tranh bằng các chứng cứ, Dương mới khai ra Thoại là người đã tham gia kế hoạch của Dương ngay từ đầu. Nếu đêm 5-7, cháu Vỹ mở cửa thì Dương và Thoại đã gây ra thảm án rồi. Hành vi của Thoại đã cấu thành tội giết người, cướp tài sản với vai trò đồng phạm. Sau đó, tuy Thoại không tham gia gây án nhưng cũng không tố giác hành vi của Dương” - nguồn tin này cho hay.

Hiện trường vụ án trước ngày thực nghiệm.
Hiện trường vụ án trước ngày thực nghiệm.

Dương chủ mưu, Tiến giúp sức quyết liệt

Cũng trong ngày 10-8, trả lời câu hỏi củaPháp Luật TP.HCM: Qua điều tra, xác định chỉ một mình Dương trực tiếp sát hại sáu nạn nhân hay Tiến có tham gia sát hại bà Nga, một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước thông tin: “Hiện tại Dương khai nhận đã ra tay sát hại các nạn nhân, còn Tiến thì siết cổ bà Nga để Dương gây án. Tuy nhiên, đây chỉ là lời khai ban đầu, qua thực nghiệm hiện trường và quá trình đấu tranh làm rõ các tình tiết khác mới có thể kết luận cuối cùng”.

Luật sư Hoàng Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, được cơ quan tố tụng chỉ định tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị can Dương, Tiến) cho hay: “Quá trình lấy lời khai có mặt luật sư, Tiến khai đã ba lần nói Dương về nhưng Dương không nghe và có ý đe dọa Tiến”.

Về thông tin này, một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước nói: Hành vi của Tiến đã cấu thành tội giết người, cướp tài sản. Bởi ngay từ đầu, Tiến đã trực tiếp tham gia và quyết liệt giúp sức Dương gây ra tội ác. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ các tình tiết, chứng cứ liên quan để sớm kết luận điều tra vụ án.

“Đây là vụ án rất phức tạp, nhiều tình tiết cần phải làm rõ. Đến thời điểm này, chúng tôi có thể xác định có hai bị can trực tiếp gây án là Dương, Tiến. Còn Thoại do tham gia bàn bạc kế hoạch và cùng Dương chuẩn bị để gây án nên hành vi của Thoại cũng đã cấu thành tội giết người và cướp tài sản” - vị lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước nói.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo VKSND tỉnh Bình Phước cho biết: “Căn cứ lời khai ban đầu thì Thoại đã cùng Dương bàn kế hoạch gây án từ trước. Đến ngày 5-7, Thoại và Dương không gây án được là do khách quan chứ không phải giữa chừng tự ý chấm dứt hành vi phạm tội. Hành vi lần đầu của Thoại đủ căn cứ để cấu thành tội giết người và cướp tài sản với vai trò đồng phạm. Tuy nhiên, đến đêm 6-7, Thoại không chịu đi cùng Dương nữa, đây có thể coi là một tình tiết giảm nhẹ”.

Hôm nay thực nghiệm hiện trường

Ngày 10-8, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước cho biết sáng 11-8, cơ quan tố tụng sẽ tiến hành thực nghiệm hiện trường. Việc thực nghiệm hiện trường sẽ diễn ra trong bí mật, báo chí không được chứng kiến.

Một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước lý giải: Các cơ quan tố tụng biết báo chí và người dân rất quan tâm đến vụ án. Tuy nhiên, để tránh xáo trộn hiện trường và bảo đảm công tác thực nghiệm được diễn ra chặt chẽ, đúng quy trình tố tụng, các phóng viên không được phép có mặt bên trong hiện trường.

Theo PLTP