Vụ quán Xin chào: Thủ tướng “ra tay” kịp thời, đúng luật, nức lòng dân

VietTimes -- “Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đình chỉ vụ án quán “Xin chào”; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm sai. Đó là sự chỉ đạo kịp thời, cần thiết và đúng pháp luật”- ông Phạm Đức Bảo, Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một chỉ đạo kịp thời, hết sức hợp lòng dân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một chỉ đạo kịp thời, hết sức hợp lòng dân

Thủ tướng đã làm đúng và kịp thời

Ngày 23/4, theo chỉ đạo của Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí, Viện KSND huyện Bình Chánh đã ra quyết định đình chỉ vụ án kinh doanh trái phép, đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán “Xin chào” vì không phạm tội; đồng thời công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có) cho ông Tấn theo quy định. Ông nhìn nhận vụ việc này như thế nào?

- Như mọi người đều biết dư luận đặc biệt quan tâm và bàn tán nhiều trong thời gian qua là vụ quán cafe “Xin Chào” ở huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh. Đây là vụ án chuẩn bị được đưa ra xét xử. Điều đó có nghĩa là việc khởi tố ông chủ quán đã kết thúc quá trình điều tra và chuyển sang Viện kiểm sát (VKS) và VKS huyện Bình Chánh đã khẳng định ông chủ quán đã phạm tội kinh doanh trái phép như kết luận điều tra của cơ quan Công an huyện Bình Chánh.

Khi VKS Bình Chánh đã xác định kết luận điều tra đó có cơ sở để quyết định truy tố bị can ra trước tòa với tư cách là bị cáo và chuẩn bị bản cáo trạng, chuyển hồ sơ sang cho Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh để tiến hành xét xử. Lúc này các nhà báo mới phát hiện ra vấn đề và đưa lên các báo; đồng thời trên các trang mạng xã hội cũng được rất nhiều người chia sẻ; sự phản ứng của nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là các chuyên gia pháp luật, những người hiểu biết pháp luật đã làm cho dư luận hết sức phẫn nộ. Bởi vì người ta cho đây là hành vi lạm dụng pháp luật để làm oan sai cho một công dân và việc này ảnh hưởng lớn đến môi trường tự do kinh doanh như Hiến pháp 2013 quy định.

Trước bối cảnh như vậy, các thông tin đến được với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Các vị lãnh đạo này thấy rằng vụ án này có vấn đề. Trước nguy cơ một công dân bị đưa ra xét xử, trước áp lực của công luận và sự thật khách quan, khả năng vụ án đó không thể xử bị cáo có tội được; hoặc đưa ra tòa mà xử bị cáo có tội thì pháp luật bị coi thường, công dân bị oan sai, Bí thư Đinh La Thăng đã chỉ đạo là các cơ quan tố tụng phải xem xét lại vụ án này. Ông Thăng không chỉ đạo cụ thể phải làm như thế nào. Việc chỉ đạo như vậy, theo tôi, là hợp lý. Ngay sau đó, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ngừng hình sự hóa vụ việc này.

Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng vì có dấu hiệu oan sai, cho nên Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo đình chỉ vụ án để làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm sai. Đó là sự chỉ đạo đúng, kịp thời và cần thiết.

Thưa ông, khi Thủ tướng chỉ đạo như vậy cũng có ý kiến cho rằng, Thủ tướng đã can thiệp vào công việc của các cơ quan tố tụng, tạo ra tiền lệ không tốt trong việc điều tra, xét xử của các cơ quan tố tụng?

- Tôi đọc trên báo chí và, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội, thì thấy nhiều người đặt vấn đề rằng: Tại sao Thủ tướng lại chỉ đạo các cơ quan tố tụng, như vậy có tôn trọng nguyên tắc tư pháp độc lập hay không?

Tôi xin trả lời thế này: Hiện nay có không ít người, kể cả cán bộ hoạt động trong lĩnh vực pháp lý, hiểu không đúng về tư pháp độc lập. Tư pháp độc lập ở đây được hiểu là, khi xét xử tòa án độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, cụ thể và chính xác hơn là pháp luật đã quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. (khoản 2 điều 103 Hiến pháp 2013). Tôi phải nói rõ khái niệm nguyên thủy của từ Tư pháp là chỉ tòa án. Từ khi hình thành nguyên tắc phân quyền thì quyền lực nhà nước được phân chia ra 3 quyền độc lập và kiểm soát lẫn nhau. Quyền lập pháp được giao cho Quốc hội hay nghị viện. Quyền hành pháp giao cho Chính phủ. Quyền tư pháp giao cho tòa án. Tức là phán quyết của tòa án là phán quyết tư pháp. Phán quyết đó dựa trên cơ sở luật pháp của cơ quan lập pháp vì vậy tòa án phải được độc lập. Không có bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được can thiệp vào công việc của tòa án. Do đó, khi người ta nói tư pháp độc lập là nói tòa án xét xử độc lập, chứ không phải nói tất cả cơ quan tham gia tố tụng đều độc lập như tòa án.

Còn hoạt động điều tra là hoạt động của hành pháp. Bởi vì điều tra là quá trình phát hiện tội phạm và thấy có dấu hiệu phạm tội thì khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can. Đây là hoạt động hành pháp trong quá trình quản lý nhà nước, nên người đứng đầu bộ máy hành chính Nhà nước – Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn có quyền chỉ đạo.

Theo Viện KSND TP.HCM, việc khởi tố, điều tra, truy tố ông Nguyễn Văn Tấn không có căn cứ; hành vi của ông Tấn không cấu thành tội phạm.
Theo Viện KSND TP.HCM, việc khởi tố, điều tra, truy tố ông Nguyễn Văn Tấn không có căn cứ; hành vi của ông Tấn không cấu thành tội phạm.

Cũng cần phải nói thêm là, đối với các nước khác thì công tố cũng nằm trong hành pháp. Ở nước ta công tố không nằm trong hành pháp, quyền công tố thuộc VKS. Như vậy là chúng ta tách ra thành một nhánh thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp và giao cho VKS. Cáo trạng của VKS truy tố bị can ra trước tòa, để tòa án phán quyết có tội hay không có tội. Cái đó không phải là hoạt động tư pháp. Cái đó không có nghĩa là thực hiện quyền tư pháp mà quyền tư pháp chỉ có xét xử thôi. Tôi xin nhắc lại là khi xét xử thì các thẩm phán, hội thẩm độc lập mà không có cơ quan nào kể cả các tổ chức Đảng, cho đến cơ quan lập pháp, hành pháp có quyền can thiệp vào vụ án.

Ở đây Thủ tướng không hề can thiệp vào hoạt động xét xử bởi vụ án chưa hề đưa ra xét xử. Vì vậy không thể nói Thủ tướng can thiệp vào hoạt động tư pháp. Cụ thể trong vụ án này, Thủ tướng đã chỉ đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu xem xét dừng khởi tố vụ án chủ quán cà phê “Xin chào” yêu cầu phải xem xét lại kết luận điều tra, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can có đúng pháp luật không, có dấu hiệu phạm tội không và bị can có đủ yếu tố cấu thành tội phạm không, nếu không phải đình chỉ vụ án và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan chức năng. Thủ tướng đã làm đúng và đây là một quyết định kịp thời và sáng suốt.

Cần xử lý nghiêm cán bộ sai phạm

Ngay sau khi Thủ tướng chỉ đạo thì các cơ quan chức năng đã hủy vụ án. Thậm chí Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Bình Chánh đã bị đình chỉ công tác, Viện Kiểm sát này cũng đã tổ chức xin lỗi ông chủ quán “Xin chào”. Vậy còn trách nhiệm của công an Bình Chánh thì sao, theo ông?

- Vụ án chưa được đưa ra xét xử, nên trách nhiệm ở đây thuộc về hai cơ quan: VKS và Cơ quan điều tra công an Bình Chánh. Có ý kiến cho rằng chỉ cần xử lý VKS Bình Chánh là đủ, bởi vì cơ quan này có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong đó có kiểm sát các hoạt động điều tra của cơ quan điều tra. Nếu VKS thấy rằng không có đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà vẫn truy tố thì trách nhiệm chính thuộc về VKS. VKS Bình Chánh phải chịu trách nhiệm là đương nhiên rồi.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cũng không thoát trách nhiệm được vì một vụ án không có dấu hiệu hình sự, không có đủ căn cứ mà vẫn ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Một Đại tá, trưởng Công an huyện phải hiểu biết pháp luật chứ. “Anh” ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can mà anh biết rằng vụ việc này chỉ đáng xử lý hành chính; vụ việc không có dấu hiệu tội phạm; hành vi kinh doanh trái phép đã được đưa ra khỏi bộ luật hình sự sửa đổi rồi, thì rõ ràng là “anh” lạm quyền, cố tình vi phạm pháp luật rồi còn gì.

Cũng nên đặt vấn đề là tại sao VKS người ta làm kịp thời như vậy (hủy vụ án, xin lỗi chủ quán caphe “Xin chào”) thì Công an Bình Chánh lại lề mề như vậy. Khi báo chí hỏi Trung tướng, Giám đốc Công an rằng, tại sao phía công an chưa có xử lý cá nhân nào thì ông Trung tướng trả lời: theo ngành dọc thì việc xử lý Trưởng công an Huyện Bình Chánh thuộc thẩm quyền của Tổng cục Chính trị Bộ công an, không thuộc thẩm quyền của Công an TP HCM. Nhưng tôi cho rằng bên Công an làm chậm, đáng lẽ Công an phải khẩn trương hơn các cơ quan khác.

Nếu vụ án oan nào cũng phải chờ đến Người đứng đầu Chính phủ “ra tay” mới tránh được oan khuất cho người dân thì Thủ tướng lấy đâu ra thời gian để lo việc “quốc kế dân sinh”, thưa ông?

- Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, không chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, mà còn là người chỉ đạo hoạch định chính sách, rồi nhiều vấn đề mang tầm vĩ mô, những vấn đề lớn của đất nước, đáng ra không phải “nhúng tay” vào những việc cụ thể như thế. Một việc như thế này chỉ cần chỉ đạo Bộ trưởng Bộ công an hoặc Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ công an, để Bộ công an chỉ đạo công an TP HCM xem xét lại vụ án, nếu sai sót thì sửa chữa ngay.

Ông Phạm Đức Bảo
Ông Phạm Đức Bảo

Thế nhưng, vì vụ án xảy ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Thủ tướng đang chuẩn bị gặp gỡ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, nếu để vụ án này đưa ra xét xử tạo ra dư luận không tốt, ảnh hưởng đến tinh thần các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Hơn nữa trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước những khó khăn thách thức, môi trường đầu tư đang gặp nhiều khó khăn, chúng ta đang rất cần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhất là về các thủ tục hành chính; môi trường đầu tư, kinh doanh cần minh bạch, đúng luật pháp, tạo điều kiện tối đa cho người dân kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, thì Thủ tướng buộc phải trực tiếp chỉ đạo để vụ án được kết thúc nhanh chóng, lấy lại lòng tin của nhân dân; đồng thời cũng là để nhắc nhở các cơ quan bảo vệ pháp luật phải hết sức thận trọng trong các vụ việc khác.

Qua vụ việc này, một lần nữa chúng ta phải thấy rằng, mỗi người dân, đặc biệt là bộ máy hành pháp và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tôn trọng pháp luật và đặc biệt phải tôn trọng tính tối cao của Hiến pháp. Tất cả những gì Hiến pháp quy định đều phải tôn trọng. Các cơ quan nhà nước và cán bộ công chức nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép, còn những người dân thì được làm những gì mà pháp luật không cấm.

Hiến pháp đã khẳng định nhà nước ta là nhà nước pháp quyền mà yêu cầu của Nhà nước pháp quyền là phải bảo đảm sự thượng tôn pháp luật, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh, phải bảo đảm sự an toàn pháp lý cho người dân và phải bảo đảm mọi công dân đều bình đảng trước pháp luật.

Xin cám ơn ông!