Nguồn tin của Báo Người Lao Động ngày 17-5 cho biết phía Hàn Quốc đã mở phiên tòa xét xử đối với 2 nhân viên phi hành đoàn của Vietnam Airlines (VNA), gồm cơ trưởng và tiếp viên có hành vi mang tổng cộng 6 kg vàngnhưng không khai báo hải quan trên chuyến bay số hiệu VN426 từ Hà Nội đến Pusan ngày 10-3-2015.
Vĩnh viễn không được làm việc trong ngành hàng không
Tại phiên tòa, cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng - người giấu 4 kg vàng dưới đế giày và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong - người giấu 2 kg vàng - đều thừa nhận các hành vi như đã khai với cơ quan điều tra của Hàn Quốc trong thời gian bị tạm giữ.
Cụ thể, 2 người này thừa nhận hành vi lợi dụng vị trí công tác trên chuyến bay VN426 để vận chuyển vàng lậu từ Việt Nam sang Hàn Quốc với tiền công 250 USD/kg. Tuy nhiên, người này không biết người kia cũng mang vàng.
Sang phần luận tội của viện kiểm sát, công tố viên đã đưa ra bản án 24 tháng tù giam đối với cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng và 12 tháng tù giam đối với tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong. Bản án cho cơ trưởng và tiếp viên của VNA sẽ được phía Hàn Quốc tuyên trong phiên tòa tiếp theo vào ngày 29-5.
Cũng theo nguồn tin trên, tường trình của phi công lái phụ trên chuyến bay VN426 cho rằng phi hành đoàn ra khỏi khu vực cách ly của sân bay quốc tế Gimhae (Pusan) theo lối đi chung với hành khách. Vài tiếp viên nữ của chuyến bay ra trước, tiếp theo là nam tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong, lái phụ và sau là cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng. Khi tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong qua cổng từ, nhân viên hải quan yêu cầu nam tiếp viên này dừng lại để kiểm tra trực quan do máy dò kim loại phát tín hiệu báo động. Ngay sau đó, lái phụ qua cổng từ một cách bình thường.
Dù thấy Nguyễn Tuấn Phong bị giữ lại khám xét nhưng cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng vẫn đi qua cổng từ và lập tức bị giữ lại kiểm tra trực quan do máy dò kim loại một lần nữa phát tín hiệu. Khi được yêu cầu tháo giày để kiểm tra, nhân viên hải quan phát hiện ngay những thỏi vàng được giấu trong lớp vỏ bọc màu xanh sẫm dưới đế giày của cơ trưởng. Sau đó, Nguyễn Tuấn Phong và Nguyễn Văn Dũng bị Cục Thuế quan của sân bay Gimhae giữ lại để làm rõ số vàng mang theo.
Tường trình của lái phụ chuyến bay VN426 cũng khẳng định trong quá trình nhận nhiệm vụ chỉ huy máy bay, cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng không có biểu hiện bất thường. Tất cả thành viên phi hành đoàn cùng ra sân bay quốc tế Nội Bài bằng xe của VNA, sau đó cả đoàn làm thủ tục bay, xuất nhập cảnh và đi qua máy soi chiếu an ninh theo quy định. Trong những lúc tách đoàn, cụ thể là xuống kiểm tra và ký nhận bàn giao máy bay trước khi cất cánh, cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng cũng không có biểu hiện bất thường.
Do phía Hàn Quốc chưa tuyên án nên đến nay, cơ trưởng và tiếp viên bị bắt mới bị đình chỉ công tác. Khi có bản án, 2 nhân viên này sẽ bị VNA đuổi việc. Theo quy định tại Thông tư 46/2013 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), 2 nhân viên này sẽ vĩnh viễn không được làm việc trong ngành hàng không Việt Nam.
Cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng (SN 1980, quê Thanh Hóa) chưa từng bị kỷ luật trong công tác. Trước đây, phi công Nguyễn Văn Dũng là cơ trưởng của đội bay thân nhỏ Fokker, sau học chuyển loại để lái máy bay Airbus 320/321.
Đường đi của 6 kg vàng vẫn là ẩn số
Đáng lưu ý là vụ mang 6 kg vàng nói trên xảy ra hơn 2 tháng, phía Hàn Quốc đã đưa ra xét xử, trong khi đến nay, nhà chức trách hàng không Việt Nam và VNA vẫn chưa tìm ra được đường đi của số vàng này.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến bế tắc là do vụ việc được báo cáo quá chậm. Ngay sau khi 2 nhân viên phi hành đoàn của chuyến bay VN426 bị bắt, Văn phòng đại diện của VNA tại Hàn Quốc đã có báo cáo để VNA cử tổ bay khác sang thay thế 2 nhân viên này. Ngoài ra, theo quy định của ngành hàng không, khi xảy ra vụ việc tương tự, ban an ninh của các hãng phải lập tức có văn bản cảnh báo gửi tất cả bộ phận liên quan để biết và nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đầu tháng 4-2015, khi báo chí Hàn Quốc đưa tin vụ việc, báo chí trong nước dẫn lại, Cục Hàng không Việt Nam mới yêu cầu VNA báo cáo và mãi đến ngày 20-4, tổng giám đốc VNA mới chính thức có báo cáo cho Bộ GTVT. Lúc này, việc rà soát toàn bộ quy trình soi chiếu an ninh tại sân bay quốc tế Nội Bài gặp khó khăn do hệ thống giám sát bằng camera an ninh của sân bay đã quá thời hạn lưu giữ 30 ngày.
Về đường đi của 6 kg vàng, có nhiều giả thiết đặt ra, như lên được máy bay bằng đường công vụ vì tham gia dây chuyền vận tải hàng không có nhiều bộ phận ra/vào bằng đường công vụ hoặc cơ trưởng, tiếp viên nhận vàng ở sân bay Hàn Quốc trước khi nhập cảnh... Tuy nhiên, đến nay, đường đi của số vàng này vẫn là ẩn số.
Cuối năm 2009, chuyến bay của VNA mang số hiệu VN791 từ Hồng Kông về Hà Nội cũng bị nhân viên mặt đất phát hiện có 6,4 kg vàng trong buồng lái, dưới ghế lái phụ. Lúc đó, trên đường về nhà, 11 thành viên phi hành đoàn chuyến bay này bị cơ quan chức năng gọi lại để làm rõ nguồn gốc số vàng nhưng không ai biết là từ đâu ra. Từ nhiều năm qua, có những nghi vấn về đường dây buôn hàng cấm mà “cửu vạn” là thành viên phi hành đoàn nhưng đến nay, chưa có kết quả điều tra nào về nghi vấn này.
Gần đây, tuy số vụ buôn lậu của phi công, tiếp viên VNA đã giảm nhưng mỗi năm vẫn xảy ra 1-2 vụ, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của VNA.
VNA bị kiểm điểm vì báo cáo chậm
Có ít nhất 2 văn bản quy định hãng vận chuyển phải báo cáo nhà chức trách hàng không trong những trường hợp tương tự. Một là Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác máy bay, trong đó có quy định hãng hàng không phải báo cáo nhà chức trách trong trường hợp tổ bay mất khả năng làm việc. Hai là thông tư 46/2013 của Bộ GTVT, trong đó quy định hãng hàng không phải báo cáo Cục Hàng không Việt Nam khi nhân viên lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa. Tuy nhiên, thông tư này không nêu rõ thời hạn phải báo cáo.
Trong vụ mang 6 kg vàng vừa rồi, do báo cáo chậm, VNA đã bị kiểm điểm.
Theo NLĐ