Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Bị cáo đổ tội cho nhau

VietTimes – Trước tòa, hai bị cáo Yến và Nga liên tục truy vấn nhau, cho rằng trách nhiệm sửa bài thi thuộc về người kia.
Bị cáo Trần Xuân Yến. Ảnh: Internet
Bị cáo Trần Xuân Yến. Ảnh: Internet

Thông tin từ tờ Báo Đất Việt, chiều 24/5, phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La tiếp tục diễn ra.

Tại phần đối chất, bị cáo Trần Xuân Yến - cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La và bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga - nguyên Chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng liên tục truy vấn nhau trước tòa bằng những câu hỏi trong quá trình niêm phong bài thi.

Bị cáo Yến hỏi bị cáo Nga rằng việc lập biên bản mở niêm phong bài thi được thực hiện theo qui định nào? Bị cáo Nga đáp nếu phát hiện các bài thi bị cắt thiếu, lệch form thì có thể mở lại túi niêm phong bài thi đó để chỉnh.

Không đồng ý với câu trả lời của Nga, bị cáo Yến tiếp tục hỏi. Bị cáo Nga trả lời nhưng bị cáo Yến không đồng tình, cho rằng trả lời chưa đúng ý của mình.

HĐXX cắt lời Yến và nói, đây là việc trả lời của Nga, bị cáo không được yêu cầu Nga trả lời như thế nào.

Tiếp tục phần đối đáp của mình với "sếp cũ", bị cáo Nga hỏi bị cáo Yến: "Trước ngày mùng 4/7/2018, nếu bài thi có bị mờ, hỏng thì liệu có phải mở túi niêm phong bài thi ra để xem lại hay không?".

"Việc lập biên bản niêm phong lô bài thi, thực hiện vào ngày 4/7, sau khi làm xong 2 pha (pha 1 quét ảnh bài thi, pha 2 đọc ảnh), sau khi đọc xong ảnh thì phần mềm đã nhận được toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm. Như vậy, sau khi làm xong pha thứ 2 thì sau này không cần phải mở lại niêm phong lô bài thi nữa", Yến đáp.

Sau khi nghe xong Yến trả lời, bị cáo Nga tiếp tục hỏi rằng, vậy hàng năm vào thời điểm đó, nếu phát hiện có lỗi trong các bài thi thì có cần mở lại túi bài thi không?.

Yến nói rằng, các năm trước, Yến đã thực hiện việc làm Tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm, năm 2017, về qui trình, bị cáo Yến cũng thực hiện giống 2018, sau khi làm pha thứ 2 xong thì Yến chỉ đạo không mở niêm phong bài thi trong quá trình kiểm dò.

Nguyễn Thị Hồng Nga. Ảnh: Internet
Nguyễn Thị Hồng Nga. Ảnh: Internet

Trước đó, VKSND tỉnh Sơn La trình bày bản luận tội đối với 12 bị cáo. Các bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ bị đề nghị án gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT) 7-8 năm tù, Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó Trưởng phòng khảo thí) 2-3 năm tù, Đặng Hữu Thủy (cựu Hiệu phó Trường THPT Tô Hiệu) 6-7 năm tù.

Bị cáo Đỗ Khắc Hưng (cựu Trung tá, cán bộ Công an tỉnh Sơn La) 5-6 năm tù và Đinh Hải Sơn (cựu Thiếu tá, cán bộ Công an tỉnh Sơn La) 2-3 năm tù.

Các bị cáo phạm tội đưa hối lộ: Hoàng Thị Thành (cựu Cán bộ Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) 2-3 năm tù, Trần Văn Điện (cựu Cán bộ giáo dục) 12-13 năm tù, Lò Thị Trường (lao động tự do) 2-3 năm tù và Nguyễn Minh Khoa (cựu Thượng tá, cán bộ Công an tỉnh Sơn La) 12-13 năm tù.

Các bị cáo phạm cả hai tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ: Lò Văn Huynh (cựu Trưởng phòng khảo thí) bị đề nghị mức tổng hợp hình phạt là 23-25 năm tù.

Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó Trưởng phòng chính trị tư tưởng) bị đề nghị mức tổng hợp hình phạt là 9-11 năm tù.

Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu Chuyên viên phòng khảo thí) bị đề nghị mức tổng hợp hình phạt là 23-25 năm tù.

Cùng với đó, đại diện VKS cũng đề nghị tịch thu sung quỹ 1 tỉ đồng của Lò Văn Huynh, 1,04 tỉ đồng của Nguyễn Thị Hồng Nga, 440 triệu đồng của Cầm Thị Bun Sọn và 300 triệu đồng của Lò Thị Trường. Đây đều là số tiền các bị cáo phạm tội đưa và nhận hối lộ mà có.