Chiều 29/4, tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), lãnh đạo Sở NN và PTNT đã tổ chức đối thoại với ngư dân, tiểu thương, các nhà hàng kinh doanh mặt hàng thủy hải sản, nhằm nắm bắt, ghi nhận ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân liên quan đến hiện tượng cá chết bất thường trên biển trong thời gian qua.
Tình hình rất nguy cấp, phải hành động ngay!
Cuộc đối thoại nhằm bàn giải pháp khắc phục khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với ngư dân, thương nhân, chủ tàu, tiểu thương buôn bán kinh doanh tại Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), một trong những vựa cá lớn nhất khu vực miền Trung.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT chủ trì buổi đối thoại cho biết: "Chuyện cá chết tại khu vực biển Hà Tĩnh đến T.T.Huế thì mọi người cũng đã biết. Tình hình buôn bán, diễn biến là đã cấp bách rồi, và cần làm ngay. Nên đề nghị các bà con cho biết những khó khăn cũng như đề đạt những ý kiến, biện pháp để cải thiện tình hình".
"Thông tin cho bà con là nước biển Đà Nẵng vẫn an toàn, cá vẫn sống bình thường và nuôi trồng bình thường. Tuy nhiên, vấn đề tâm lý người tiêu dùng lo lắng, thì tôi cùng bà con khắc phục, giải tỏa lo lắng đó, để người tiêu dùng đến với con cá sạch, đảm bảo sức khỏe.
Vấn đề là làm rõ con cá được đánh bắt từ đâu, từ đâu về, chất lượng ra sao,... Mặc dù cá mình là đảm bảo, nhưng không biết làm sao để người tiêu dùng tin tưởng. Bây giờ vấn đề là rất lớn rồi, mất mát rất nhiều. Nên tôi hứa sau cuộc đối thoại này, Sở sẽ cũng các cấp tìm giải pháp hành động để hỗ trợ bà con ngư dân và tiểu thương", ông Nguyễn Đỗ Tám tâm huyết nói.
Sau lời của ông Nguyễn Đỗ Tám, ông Võ Văn Chính, một tiểu thương làm ăn tại bến cá Thọ Quang cho biết: "Tôi làm nghề này mấy chục năm nay nhưng chưa từng gặp sự việc nào như thế này. Nên cơ quan chức năng cần khoanh vùng biển để dân chúng tôi biết. Không phải ăn cá không chết là cứ ăn, mà phải nói rõ cho dân biết, dân tin tưởng. Tình hình cá chết từ bắc chí nam khiến tôi và nhiều người mấy ngày qua tôi phải nghỉ. Nêu chúng tôi cần các ngành các cấp hành động để cho dân chúng tôi tin tưởng, mua bán như bình thường trở lại".
Chúng tôi cũng lo chứ không chỉ người ăn!
Trước thông tin giá cá ở Đà Nẵng giảm rất mạnh, từ 20-40% so với cách đây nửa tháng. Tại Cảng cá Thọ Quang, giá cá nục từ 30.000 đồng/kg giảm xuống còn 15.000-20.000 đồng/kg, cá ngừ loại vừa giảm từ 35.000 đồng xuống còn 20.000 đồng/kg... Giá hải sản giảm mạnh nhưng cũng rất khó bán khiến ngư dân điêu đứng. "Ngày xưa, mỗi ngày tôi bán từ bán 5-7 tạ cá ngon như cá bớp, nhưng giờ không bán được, thậm chí còn bị chửi là giết dân. Đau đớn lắm", một tiểu thương cho biết.
Phát biểu ý kiến, chị Lan, một chủ tàu cá xa bờ lo lắng cho biết: "Chúng tôi rất lo, cá đánh vô mà không dám bán, mà tôi cũng không dám ăn, vì chúng tôi chỉ biết đánh cá, dù đánh xa bờ. Nhưng chúng tôi không biết cá đó có đảm bảo chất lượng hay không dù tuân thủ các điều kiện về đánh bắt, bảo quản. Nên càng không dám bán cho người dân. Chúng tôi cần thông tin rõ hơn, khu vực nào được đánh bắt, nơi nào không được để ngư dân chúng tôi không đánh và đã lỡ đánh thì không bán cho dân".
Còn bà Nguyễn Thị Thùy Dung, tiểu thương bến cá chia sẻ: "Tôi vẫn ăn cá đánh bắt, trên chợ vẫn ăn cá do chúng tôi đánh mà chúng tôi có làm sao đâu. Điều đó chứng tỏ cá sạch và an toàn. Nhưng rất ít người ăn vì họ nghi ngại không dám dùng. Rất mong lãnh đạo, cấp trên điều tra làm rõ thông tin và rõ ràng, cung cấp cho người dân được rõ về nguồn gốc con cá, làm sáng tỏ sớm nguyên nhân cá chết để người dân được biết, được rõ. Và công bố rộng rãi để người dân hết hoang mang, khi đó, người dân mới ăn cá trở lại".
Đồng quan điểm với các tiểu thương, nhiều tiểu thương cho rằng, ngoài các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông chính thống cùng chúng tôi vào cuộc để kiểm tra, xác minh rõ nguồn gốc con cá đưa đến người tiêu dùng. Từ đó mới khắc phục được tình hình hiện tại.
Đà Nẵng sẽ soát nguồn gốc cá đến chợ!
Trước những ý kiến của người dân, ông Nguyễn Đỗ Tám lo lắngnói: "Chốt lại là ngư dân phải đảm bảo về chất lượng cá của mình, cam kết chất lượng, chứ nói cá mình đánh mà không dám đảm bảo chất lượng thì e là khó. Còn viiệc ảnh hưởng là quá rõ nên chúng ta cần hành động ngay, có thông tin hai chiều, truyền thông rõ ràng. Song cũng đòi hỏi ngư dân cũng như tiểu thương phải cam kết về chất lượng và chịu trách nhiệm về cá mình đánh bắt".
Để đảm bảo chất lượng cá đến với người tiêu dùng Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Chín, Công ty Chế biến xuất khẩu thủy sản Bắc Đẩu cho rằng, ngư dân nên tránh đánh bắt trên vùng biển Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế với cách bờ biển 20 hải lý trở lên. Nếu ngư dân đánh bắt tuân thủ điều kiện bảo quản và khu vực đánh bắt. Tôi sẽ cam kết mua hết cho ngư dân theo giá thị trường.
Đề xuất giải pháp đảm bảo chất lượng đối với con cá trên địa bàn, ông Nguyễn Tứ, Chi Cục Trưởng chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Đà Nẵng đề nghị: "Để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng và trách nhiệm với người tiêu dùng. Không còn cách nào khác là ngư dân phải công khai, minh bạch nguồn gốc con cá. Ngay hôm nay, ngư dân, tiểu thương cùng chúng tôi cam kết bằng việc kê khai số lượng, nguồn gốc xuất xứ cá cùng những cam kết minh bạch vầ chất lượng cá tại Chọ cá Thọ Quang. Nếu đồng ý, ngay ngày mai, chúng tôi sẽ cùng đồng hành với bà con. Chúng ta sẽ đem đến cho người dân con cá sạch và an toàn".
Liên quan đến vấn đề siết chặt chất lượng cá về chợ, ông Nguyễn Tứ cho biết thêm: "Nếu ngư dân, tiểu thương đồng thuận, Đà Nẵng sẽ tiến hành siết chặt nguồn gốc cá đánh bắt. Liên quan đến việc đảm bảo chất lượng cá trên địa bàn. Bà con ngư dân, tiểu thương kê khai đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ cá đánh bắt, nguồn thu mua cá cũng như số lượng. Các thông tin được cơ quan chức năng kiểm soát và ngư dân lưu trữ. Đồng thời công khai với người tiêu dùng. Ngay ngày mai chúng tôi sẽ làm ngay, và những con cá cập bến Cảng cá Thọ Quang rồi đến với tay người mua là sự cam kết của chúng tôi với người tiêu dùng Đà Nẵng"