Chiều nay 19/7, tại trung tâm báo chí Quốc hội, Quốc hội khóa XIII, Tổng thư ký Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Ông Phúc cho biết, ông cảm thấy rất tiếc khi Hội đồng bầu cử quốc gia vừa thực hiện công bố kết quả bầu cử đã xảy ra sự việc đối với ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Theo đó, trong phiên họp thứ 7, Hội đồng bầu cử quốc gia đã bác tư cách ĐBQH của ông Thanh.
Còn đối với trường hợp bà Nguyệt Hường, bà Hường là đại biểu tái cử, từng tham gia khóa XII, XIII và tái cử khóa XIV, thuộc đoàn Hà Nội. Nhưng gần đây, khi tiến hành xem xét, rà soát tư cách ĐBQH thì cơ quan chức năng đã phát hiện bà Nguyệt Hường đã vi phạm Luật Quốc tịch.
Tổng thư ký Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng, việc xem xét tư cách đại biểu của bà Nguyệt Hường không phải xuất phát có đơn tố cáo, tố giác gì, mà là do một thành viên trong Hội đồng bầu cử quốc gia phát hiện. “Cơ quan chức năng xác minh, thấy bà Nguyệt Hường đã đăng ký quốc tịch Malta. Điều này cho thấy bà Hường đã vi phạm Luật Quốc tịch, nên hội đồng bầu cử quốc gia kiên quyết bác tư cách ĐBQH của bà Nguyệt Hường”, ông Phúc nói.
"Bà Hường chỉ vi phạm duy nhất việc có thêm quốc tịch Malta. Còn cho đến giờ phút này, cơ quan chức năng chưa phát hiện thấy bà Hường có hành vi vi phạm pháp luật nào", Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh vào cuối buổi họp báo.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng thừa nhận, sự việc của bà Nguyệt Hường và ông Xuân Thanh đã cho thấy một số lỗ hổng trong công tác hiệp thương, thẩm tra tư cách ứng viên ĐBQH và đặt ra vấn đề phải sửa đổi Luật bầu cử trong thời gian tới để quy trình được chặt chẽ hơn.
Trước câu hỏi của phóng viên, rằng vấn đề rà soát ĐBQH giữa nhiệm kỳ sẽ được xem xét ra sao khi việc bà Hường có 2 quốc tịch đã diễn ra từ khóa XIII.
Ông Phúc thông tin: Điều 17, Hiến pháp quy định mỗi công dân Việt Nam đều mang quốc tịch nước CHXHCN Việt Nam; Và Điều 4, Luật quốc tịch quy định công dân nước CHXHCN Việt Nam chỉ được phép mang một quốc tịch duy nhất của nước CHXHCN Việt Nam. “Người có nhiều quốc tịch từ nước ngoài về Việt Nam, thì anh sử dụng hộ chiếu nào khi vào lãnh thổ Việt Nam thì anh được đối xử như thế theo quốc tịch đó. Còn người sinh ra ở Việt Nam, sinh sống, làm việc, công tác tại Việt Nam mà đăng ký quốc tịch mới thì phải bỏ quốc tịch Việt Nam.”
“Với trường hợp của bà Nguyệt Hường thì đến gần đây, tháng 6, tháng 7 bà Nguyệt Hường mới đăng ký là có quốc tịch Malta, và khi cơ quan chức năng phát hiện ra thì Hội đồng bầu cử quốc gia mới mở thêm kỳ họp thứ 8 để xem xét và quyết định bác tư cách ĐBQH của bà Nguyệt Hường”, ông Phúc nói.
Tổng thư ký Quốc hội cũng thông tin thêm, rằng “vào Quốc hội để phấn đấu chứ không phải vào Quốc hội để tránh cái này cái kia. Còn đã có vi phạm thì trước sau cũng bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý”.
Hữu Vinh