Liên quan đến vụ việc kênh chia sẻ video chính thức của VTV bị Youtube khóa do vi phạm bản quyền, vào ngày 1/3/2016, một Phó Tổng giám đốc của VTV cho hay, từ năm 2013, VTV đã có Quy chế quản lý, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có hướng dẫn, phân công việc thực hiện và quy định cụ thể về xử lý trách nhiệm đối với các vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Theo đó, cá nhân nào nào vi phạm bản quyền mà phát sinh bồi thường bằng tiền thì cá nhân phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, VTV còn áp dụng những hình thức kỷ luật khác đối với những người vi phạm. Vị quan chức này cho hay, văn bản này được ban hành từ năm 2013, nhưng việc thực hiện liên quan đến nhận thức của người làm, cộng đồng biên tập viên và phóng viên của VTV rất lớn, số lượng chương trình sản xuất cũng nhiều nên khó kiểm soát hết được. Sắp tới VTV sẽ phải kiểm soát chặt về bản quyền nội dung.
Cũng liên quan đến vụ việc này, ngày 25/2/2016, Ban Kiểm tra của VTV đã có văn bản gửi các khối nội dung, trong đó nhắc lại Quy chế của VTV về tuân thủ pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, đơn vị và cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý bằng cách hình thức: Không thanh toán thù lao, nhuận bút, bị trừ kinh phí sản xuất và trừ điểm đánh giá lao động trong tháng, bị hạ bậc trong bình xét thi đua cuối năm; bị kỷ luật và không ký tiếp hợp đồng lao động. Đơn vị có người lao động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị hạ bậc, cắt danh hiệu thi đua cuối năm của đơn vị.
Anh Bùi Minh Tuấn, người đã gửi khiếu nại tới Google khiến VTV bị khóa tài khoản Youtube cũng cho ICTnews hay, ngày 1/3/2016, một người gọi điện từ một số điện thoại cố định, tự xưng là trưởng phòng ở Đài VTV có gọi điện xin lỗi anh vì việc phóng viên, biên tập viên của VTV đã tự ý sử dụng các cảnh quay flycam của anh Tuấn mà chưa xin phép. Chị này cũng thông báo cho anh Tuấn biết việc, sau khi tài khoản Youtube bị khóa, VTV đã họp kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, phê bình nghiêm khắc, điều chuyển công tác một số biên tập viên có liên quan đến các vụ vi phạm bản quyền trên kênh Youtube Yamaha Trung Tá.
Cũng theo anh Tuấn, vào chiều ngày 2/3/2016, đại diện Ban Kiểm tra của VTV đã liên lạc với anh qua điện thoại và hẹn sẽ vào Quảng Trị để làm việc việc trực tiếp với anh Tuấn vào cuối tuần này (ngày 4/3).
Anh Tuấn cho ICTnews hay, anh chưa bao giờ có ý định đòi bồi thường về kinh tế. Điều anh mong muốn là được tôn trọng những người đam mê, tôn trọng tác giả. Sau sự việc này anh mong muốn những người sắp sửa vi phạm bản quyền cần suy nghĩ lại.
Để rút đơn khiếu nại tới Youtube, anh Tuấn yêu cầu lãnh đạo VTV phải xin lỗicông khai trong chương trình thời sự. Đồng thời VTV phải tổ chức một buổi họp báo về vấn đề này để khẳng định sự tôn trọng tác giả, nhắc nhở những người làm truyền hình không nên vi phạm bản quyền nữa. Buổi họp báo này cũng phải do lãnh đạo VTV chủ trì.
Trong hơn 1 năm nay, Bùi Minh Tuấn đã ròng rã gửi đơn tới Tổng giám đốc VTV, Cục Bản quyền tác giả, Bộ TT&TT để khiếu nại. Bởi vì Tuấn đã phát hiện gần 20 vụ vi phạm bản quyền trên các kênh sóng của VTV, nhưng điều đáng buồn là chưa một lần lãnh đạo VTV có công văn trả lời anh một cách chính thức. Cực chẳng đã anh đã phải gửi báo cáo tới Youtube về vi phạm của VTV.
Trao đổi với ICTnews vào chiều ngày 1/3/2016, anh Tuấn cho hay, kênh Yamaha Trung Tá đã được cấp quyền và chứng nhận Content ID, quyền sở hữu và sáng tác của Tác giả với tư cách: Chặn sao chép trái phép tác phẩm Toàn cầu. Theo chính sách của Google, chỉ cần 0,5 giây hình ảnh bị sao chép tác phẩm xuất hiện, video vi phạm đã bị chặn và bị phạt nặng. Không cần thông báo cho Youtube thì hệ thống Content ID cũng đã tự rà soát và xử lý, quan cũng như dân.
Cũng theo Bùi Minh Tuấn, VTV biết luật Youtube nên đã tìm mọi cách để lách luật, cố tình tìm cách để qua mặt Youtube bằng các kỹ thuật can thiệp và xử lý hình ảnh. VTV được Youtube ưu ái, ko bị quét CID ở mỗi video up lên, nên VTV đã lạm dụng sự "ưu ái" đó để upload những video vi phạm bản quyền.
Theo ITCnews
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu