Vốn ngoại dồn dập vào các công ty tài chính Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Các 'deal' bán vốn FE Credit và SHB Finance cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các định chế tài chính châu Á, tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.
Một số công ty tài chính tại thị trường Việt Nam (Nguồn: Internet)
Một số công ty tài chính tại thị trường Việt Nam (Nguồn: Internet)

Theo ghi nhận của VietTimes, trong số các thương vụ nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm cổ phần công ty tài chính tại Việt Nam, thì có tới 4 định chế tài chính đến từ Nhật Bản.

Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) – thành viên của Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) – mới đây đã đạt được thoả thuận nhận chuyển nhượng 100% vốn Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) với Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Theo đó, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng nốt 50% cổ phần còn lại sau 3 năm. Đại diện của Krungsri cho biết ngân hàng này sẽ chi ra khoảng 156 triệu USD, tương đương 3.600 tỉ đồng cho thương vụ này.

Việc để Krungsri - một nhà băng hoạt động chủ yếu tại Thái Lan, nơi có thị trường tài chính tiêu dùng đã rất phát triển - tham gia trực tiếp tại SHB Finance là một bước đi đầy toan tính của MUFG. Đặc biệt là khi họ không phải là cái tên đầu tiên đặt chân tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.

Trước MUFG, vào tháng 4/2021, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - thành viên của SMFG - đã chi 1,37 tỉ USD để mua 49% cổ phần công ty tài chính tiêu dùng có thị phần hàng đầu tại Việt Nam là FE Credit.

Cuối năm 2014, Credit Saison - thành viên của Mizuho đã mua 49% cổ phần HD Finance (nay là HD Saison) từ HDBank. Giá trị thương vụ rơi vào khoảng 833,2 tỉ đồng.

Năm 2017, MBBank cũng ghi nhận khoản lợi nhuận 615 tỉ đồng từ thương vụ bán 50% cổ phần Mcredit cho đối tác Nhật Bản Shinsei Bank (49%) và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành (1%).

Năm 2018, Techcombank đã bán 100% vốn tại Techcom Finance cho Lotte Card (Hàn Quốc) với giá 75,6 triệu USD (khoảng 1.700 tỉ đồng).

"Lên hương" cùng vốn ngoại
Việc bán bớt một phần vốn tại công ty tài chính giúp các ngân hàng có thêm lượng lớn nguồn vốn lưu động.

Bên cạnh đó, sự đồng hành của một định chế tài chính tầm cỡ cũng đóng góp thêm nhiều kinh nghiệm về quản trị, công nghệ cho các ngân hàng trong nước.

Sau khi có sự đồng hành của đối tác Nhật, lợi nhuận sau thuế của HD Saison đã tăng gấp 3,5 lần trong 4 năm, từ mức 236 tỉ đồng năm 2015 lên mức 831 tỉ đồng năm 2019. Năm 2020, chỉ tiêu này của HD Saison này tiếp tục duy trì ở mức 796 tỉ đồng.

Cũng trong giai đoạn trên, dư nợ cho vay của HD Saison liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số và tăng gấp 3 lần trong vòng 5 năm, từ mức 4.696 tỉ đồng cuối năm 2015 lên 14.230 tỉ đồng cuối năm 2020.

Tương tự, 2020 cũng là năm Mcredit ghi nhận những kết quả tích cực với lợi nhuận trước thuế đạt 320 tỉ đồng, tăng 77% so với năm trước, dư nợ cho vay đạt mốc trên 10.000 tỉ đồng và là một trong số ít công ty tài chính tiêu dùng duy trì được đà tăng trưởng dư nợ hai con số.

Những công ty tài chính chờ vốn ngoại

Ngoài các công ty kể trên, thị trường tài chính Việt Nam hiện còn 2 công ty tài chính là thành viên của các ngân hàng lớn chưa/đang thực hiện kế hoạch bán vốn, bao gồm: Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) của MSB và Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) của SeABank.

Mới đây, một lãnh đạo của MSB cho biết ngân hàng này đang lên kế hoạch bán 100% vốn tại FCCOM, thương vụ dự kiến được hoàn tất vào năm 2022.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, MSB đã tiến hành ký kết hợp đồng bán 50% vốn FCCOM cho Hyundai Card.

Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 ập tới, các cổ đông lớn của Hyundai lại chuyển hướng kinh doanh tại Việt Nam và châu Á nên thương vụ này đã không được hoàn thành./.