Ông đánh giá thế nào về việc “vỡ nợ” tại Bạc Liêu, Cà Mau?
Chúng tôi mới nắm thông tin qua báo chí. Được biết chính quyền Bạc Liêu mới họp, không biết Cà Mau đã họp hay chưa để xác định lại số liệu báo chí nêu. Hồi tháng 10, Bộ Tài chính đã có văn bản hỏa tốc gửi các địa phương về định hướng xử lý những nơi có khả năng hụt thu.
Bản chất ở đây là mất cân đối ngân sách địa phương. Thẳng thừng ra là do nợ xây dựng cơ bản và sâu xa là cách thức điều hành ngân sách địa phương. Khả năng có hai nguyên nhân dẫn đến điều này: Ngân sách chưa dự toán mà vẫn cho phép nhà thầu triển khai dự án; Trong quá trình dự toán, có khoản dự tính, nhưng thực tế không phát sinh; hoặc thu thấp hơn dự kiến (như thu bán đất, bất động sản,…). Khi xây dựng dự toán, các địa phương phải xác định nguồn lực (thu địa phương, bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu) để xác định nhiệm vụ chi. Như vậy, về nguyên tắc, địa phương phải cân đối thu chi.
Thưa ông, để xảy ra tình trạng đó, ai chịu trách nhiệm và xử lý ra sao?
Số liệu chỉ qua báo chí, nên không nói chính xác được. Tuy nhiên, nguyên tắc Luật NSNN, dự toán của 2 trường hợp trên do HĐND duyệt, nên phải xem lại duyệt thế nào. Nếu đã quyết cân đối thu chi rồi, mà điều hành chi vượt dự toán là trách nhiệm tập thể của UBND, trước hết là Chủ tịch UBND tỉnh.
Các địa phương này phải chấp nhận vài năm tới không có dự án khởi công mới, dành tiền thu các năm tiếp theo để ưu tiên trả nợ xây dựng cơ bản, các công trình xây dựng dở dang. Thừa ra mới được xây dựng công trình mới.
Chi quá đà phải tự chịu
Liệu có giải pháp tháo gỡ cho việc này thưa ông ?
Thành ủy Bạc Liêu là một đơn vị dự toán cấp huyện, nên thành phố Bạc Liêu phải lo, sau đó đến tỉnh Bạc Liêu. Còn thành phố Cà Mau do ngân sách cấp tỉnh lo. Các huyện, tỉnh đều có nguồn lực tại chỗ, dự phòng ngân sách. Cấp tỉnh có dự trữ tài chính địa phương. Về nguyên tắc, Luật NSNN quy định nhiệm vụ cấp nào, cấp đó chi. Cấp trên không được chi thay cho cấp dưới. Chỉ có trường hợp ứng trước để giải quyết thiếu hụt tạm thời. Thành phố Bạc Liêu và thành phố Cà Mau chịu trách nhiệm về vấn đề trên. Chính quyền địa phương phải bố trí dần kinh phí để trả nợ. Còn nhà thầu phải chịu rủi ro rằng kho bạc sẽ không chi vì không có trong dự toán.
Liệu ngân sách Trung ương có phải bổ sung?
Về nguyên tắc trong thời kỳ ổn định ngân sách, địa phương phải tự lo. Ngân sách chỉ bổ sung trong trường hợp thực hiện việc thay đổi văn bản quy phạm pháp luật, ảnh hưởng đến ngân sách địa phương, như câu chuyện chính sách không thu thuế VAT hàng nông sản vừa rồi có ảnh hưởng nguồn thu địa phương, nên ngân sách Trung ương phải bổ sung. Bạc Liêu và Cà Mau nằm trong nhóm 50 tỉnh nhận bổ sung cân đối ngân sách Trung ương hàng năm. Trường hợp này, địa phương phải có nguồn lực bổ sung cân đối ngân sách.
Cảm ơn ông.
Ứng ngân sách cho thành phố Cà Mau trả lương
Ngày 4/12, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, sẽ ứng ngân sách khoảng 10 tỷ đồng để thành phố Cà Mau trả lương người lao động vào đầu tháng. Sở Tài chính vừa đề nghị cho thành phố Cà Mau ứng 35,7 tỷ đồng nhưng còn xem xét vì thành phố còn các nguồn thu để đảm bảo nhiệm vụ chi cuối năm.
Cùng ngày, Sở Tài chính Cà Mau báo cáo về việc ứng trước dự toán năm 2016 đối với ngân sách thành phố Cà Mau 35,7 tỷ đồng để cân đối nhiệm vụ chi trong tháng 12/2015. Trong đó, chi trả bảo hiểm 13 tỷ đồng, nợ sự nghiệp môi trường đô thị và nợ điện chiếu sáng công cộng.
Trước đó, ngày 30/11/2015, ông Huỳnh Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau báo cáo, về tình hình nợ ngân sách thành phố Cà Mau. Theo đó, còn nợ 60,9 tỷ đồng gồm xây dựng cơ bản, bảo hiểm, nợ môi trường đô thị, nợ điện chiếu sáng công cộng.
Theo báo cáo của Sở Tài chính Cà Mau, năm 2014, ngân sách thành phố Cà Mau mất cân đối từ các năm trước nên phải ứng trước dự toán năm 2015 là 69,786 tỷ đồng.
Đến ngày 30/10/2015, hầu hết các chỉ tiêu thu ngân sách đều đạt và vượt chỉ tiêu giao, một số nguồn thu lớn được để lại cân đối ngân sách địa phương như tiền sử dụng đất, vượt 32,675 tỷ đồng, thu tiền bán tài sản thuộc sở hữu Nhà nước 13,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, thành phố Cà Mau không bố trí hoàn trả nguồn trong cân đối để đảm bảo chi thường xuyên theo dự toán năm 2015, dẫn đến mất cân đối chi thường xuyên.
Sở Tài chính Cà Mau nhận định, việc mất cân đối nhiệm vụ chi ở thành phố Cà Mau là do điều hành ngân sách thanh toán các công trình xây dựng cơ bản, nguồn thu dự kiến bán tài sản thuộc sở hữu Nhà nước không đạt tiến độ, dẫn đến mất cân đối kéo dài và phải ứng trước năm sau để thanh toán cho năm trước.
Nguyễn Tiến Hưng
Theo Tiền Phong