CTCP VNG (VNG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022 với doanh thu thuần đạt 1.666,2 tỉ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần của VNG có xu hướng giảm so với cùng kỳ, chỉ đạt 43,51% so với mức 46,19% của quý 1/2021.
Trong khi đó, hoạt động tài chính đem về cho VNG 42 tỉ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do khoản tiền lãi VNG ghi nhận trong kỳ chỉ đạt 34,2 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt tới 44,9 tỉ đồng.
Ở hướng ngược lại, các chi phí trọng yếu của VNG như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp có xu hướng tăng mạnh, lần lượt đạt 569,4 tỉ đồng và 271,2 tỉ đồng – tương ứng với mức tăng 10,7% và 33,8% so với cùng kỳ quý 1/2021.
Điều này góp phần khiến VNG báo lỗ sau thuế 109,6 tỉ đồng trong quý đầu năm 2022, cao gấp 6,4 lần khoản lỗ cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 4,7 tỉ đồng; còn cổ đông không kiểm soát ‘chịu’ khoản lỗ 114,4 tỉ đồng.
Trên bảng cân đối, tính đến ngày 31/3/2022, quy mô tổng tài sản hợp nhất của VNG đạt 8.581,8 tỉ đồng, giảm 655,4 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó, số dư các khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn của công ty chỉ còn 3.193,1 tỉ đồng, giảm 1.133 tỉ đồng so với đầu năm 2022.
Cụ thể, VNG có 1.925 tỉ đồng gửi tại ngân hàng thương mại, kỳ hạn dưới 1 năm và hưởng lãi suất dao động đến 5,2%/năm; 746,2 tỉ đồng tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng và hưởng lãi suất dao động đến 3,5%/năm. Ngoài ra, VNG còn có 1.242,1 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng, được phân loại vào khoản mục tiền và tương đương tiền, nhưng không đề cập cụ thể tới kỳ hạn và lãi suất.
Đáng chú ý, số dư khoản đặt cọc mua lại cổ phiếu đã phát hành của VNG tại thời điểm cuối quý 1/2022 chỉ còn 5,9 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức 335,3 tỉ đồng ghi nhận hồi đầu năm. Trong khi đó, VNG vẫn giữ nguyên vốn cổ phần, cũng như giá trị số cổ phiếu quỹ đã mua lại trên báo cáo tài chính.
‘Lá bài’ cổ phiếu quỹ, như VietTimes từng đề cập, đã giúp VNG xử lý được nhiều vấn đề, trong đó có cả việc ‘lách room ngoại’. Tuy nhiên, khi Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 (Luật chứng khoán 2019) có hiệu lực (kể từ ngày 1/1/2021), các quy định mới về giao dịch cổ phiếu quỹ khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn.
Dữ liệu của VietTimes thể hiện, trong 5 năm qua, khoản đặt cọc liên quan đến việc mua cổ phiếu quỹ của VNG liên tục gia tăng, từ mức 39,8 tỉ đồng tại ngày 31/12/2017 lên mức 335,3 tỉ đồng tại ngày 31/12/2021. Dù đặt cọc cả đống tiền, VNG vẫn chưa mua thêm cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian này mà chỉ bán ra cho các nhà đầu tư khác.
Một báo cáo mới công bố của VNG cho thấy, nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh nắm giữ 9,84% cổ phần; tiếp đến là ông Vương Quang Khải, với 3,2% cổ phần công ty này.
Báo cáo tài chính của VNG cũng cho thấy, doanh nghiệp này bắt đầu ghi nhận khoản hợp tác đầu tư 335,3 tỉ đồng tại thời điểm cuối quý 1/2022, được phân loại vào các khoản phải thu ngắn hạn khác và chưa có thuyết minh cụ thể.
Cùng với đó, VNG cũng ghi nhận khoản đặt cọc mua cổ phần của công ty khác lên tới 1.022,5 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm.
Được biết, trong năm 2021, VNG đã hoàn tất hoán đổi khoản đầu tư vào CTCP Ti Ki (Tiki) thành khoản đầu tư vào Tiki Global với 4,6 triệu cổ phiếu, trị giá 0,43 USD/cp.
Bên cạnh đó, VNG còn hoán đổi khoản đầu tư vào Dorocat Entertainment Co. Limited thành khoản đầu tư vào Rocketeer với 1.765 cổ phiếu, trị giá, 0,0001 USD mỗi cổ phiếu. Rocketeer hiện đã tăng vốn thêm 0,5098 USD, tương ứng 5.098 cổ phiếu, khiến phần vốn chủ sở hữu của VNG tại đây giảm còn 11,25%.
VNG cho biết, Rocketeer đăng ký tại đảo Cayman, hoạt động chính của công ty này là đầu tư.
Ngoài ra, VNG còn nắm giữ 14% quyền sở hữu của Beijing Youtu - doanh nghiệp có hoạt động chính là phân phối bản quyền trò chơi điện tử./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu