VKS “tủi thân” vì không được trang bị vũ khí

VietTimes – So sánh với ngành Công an, Quốc phòng thì Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng phải bắt người, bắt tội phạm rất nguy hiểm nhưng vẫn không được trang bị vũ khí, đã có lần ngành Kiểm sát đề xuất với UBTVQH nhưng bị lãng quên.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại buổi thảo luận của UBTVQH về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ diễn ra vào chiều 16/9, đại diện VKSND Tối cao đã có những đối đáp quyết liệt vì dự thảo Luật không đưa Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao vào đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng mà chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ.

Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam – đại diện cơ quan soạn thảo giải thích, thiết kế nội dung này trong Dự thảo là do những năm qua cơ cấu, tổ chức cơ quan điều tra của VKSND biên chế ít; số vụ việc điều tra không nhiều; đối tượng phạm tội là người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, ít có hành vi chống đối manh động. Mặt khác, trong quá trình bắt giữ, đã có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng Công an và các lực lượng khác. 

Phản bác ngay ý kiến của Bộ Công an vì cho rằng chưa thỏa đáng, ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND nói: tội phạm nào cũng giống nhau, mà 5 năm qua, tội xâm phạm tư pháp bình quân mỗi năm lên đến 141 vụ/300 bị can. Ông Phong dẫn chứng, thô sơ nhất phải kể đến câu chuyện khi bắt đối tượng giết người Lý Nguyễn Chung (hung thủ thực sự trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn) mất cả tháng mà không được trang bị vũ khí, đến còng tay thì cũng là còng cũ, hay cả vụ bắt người bằng dây thừng ông đã từng báo cáo UBTVQH nhưng bị lãng quên.

Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đều cho rằng, trong việc chống tội phạm không nên đặt lực lượng nào quan trọng hơn lực lượng nào; đã là lực lượng điều tra chuyên trách thì phải được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, cơ quan điều tra của ngành Kiểm sát cũng cần được trang bị.