Dự án này đã được Công ty Cổ phần VinPearl lên kế hoạch thực hiện từ tháng 8.2016.
Về cơ cấu sử dụng đất, TP chấp thuận tỷ lệ đất dành cho khu Safari là từ 60 - 70% so với tổng diện tích đất và xây dựng công trình thấp tầng. UBND TP cũng yêu cầu UBND huyện Củ Chi hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong tháng 9.2016.
Ngoài việc phê duyệt Công viên Sài Gòn Safari, UBND TP cũng vừa duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư một phần phường Tam Phú - Tam Bình, quận Thủ Đức với diện tích khoảng 29ha, trong đó ưu tiên bố trí các công trình cao tầng dọc các trục giao thông chính như đường Vành đai 2 và đường Tô Ngọc Vân; duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư giáp đường Kha Vạn Cân, phường Linh Tây - Linh Chiểu, quận Thủ Đức với diện tích khoảng 70ha, trong đó ưu tiên bố trí các công trình cao tầng dọc các trục giao thông chính như trục đường Võ Văn Ngân và đường Kha Vạn Cân; duyệt nhiệm vụ điều chỉnh và mở rộng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư dọc đường Nam Cao, phường Tân Phú, quận 9 với diện tích khoảng 70ha, trong đó ưu tiên bố trí các công trình cao tầng dọc các trục giao thông chính như đường nối Vành đai 3 và Xa lộ Hà Nội.
Theo UBND TP, các quy hoạch được ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ thuộc các khu vực tái thiết đô thị và cần phát huy ưu thế địa hình sông nước, tạo không gian mở hài hòa với cảnh quan chung tại khu vực tiếp giáp các sông, kênh, rạch; phát triển mô hình nhà vườn thấp tầng với mật độ xây dựng thấp, các công trình cao tầng được bố trí lùi dần phía sau; thiết lập các tuyến đường giao thông ven sông, kênh, rạch kết nối với mạng lưới giao thông toàn khu vực.
Dự án công viên Sài Gòn Safari (Thảo Cầm viên mới) nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng thuộc huyện Củ Chi, có diện tích hơn 485 ha. Nơi đây được kỳ vọng là nơi đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh thái, du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Củ Chi.
Theo hồ sơ dự án, khu công viên Sài Gòn Safari có 9 phân khu gồm trung tâm hành chính, công viên chuyên đề, khu nuôi thả động vật hoang dã ban ngày, khu nuôi thả động vật ban đêm, vườn thú mở, vườn sưu tầm động vật, khu hạ tầng, khu hội nghị và bảo tàng, khu nhân giống bảo tồn và dự phòng phát triển.
Dự án được cấp phép từ năm 2004 do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau hơn 13 năm phê duyệt, công viên này vẫn chỉ ở tình trạng "treo" và trở nên hoang hóa.