Vinalines bán đổ bán tháo “cục nợ” của Dương Chí Dũng

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đề xuất nhượng bán nguyên trạng ụ nổi 83M với giá khởi điểm chỉ 34,8 tỉ đồng, chưa bằng 1/10 nguyên giá
Ụ nổi 83M đang neo đậu tại cảng Gò Dầu B (tỉnh Đồng Nai)           Ảnh: KHẮC GIỚI
Ụ nổi 83M đang neo đậu tại cảng Gò Dầu B (tỉnh Đồng Nai) Ảnh: KHẮC GIỚI

Ụ nổi 83M được Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đầu tư năm 2008, góp vốn vào Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY) và bàn giao cho VNLSY với tổng nguyên giá tạm tính là hơn 462 tỉ đồng.

Tài sản trăm tỉ thành “cục nợ”

Ụ nổi 83M hiện neo đậu tại cảng Gò Dầu B (tỉnh Đồng Nai) trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bị đăng kiểm rút cấp phép từ tháng 1-2011, bảo hiểm hết hạn từ năm 2012, đăng ký tạm thời cũng đã hết hạn từ ngày 24-6-2011. Tính đến nay, ụ nổi đã neo đậu tại cảng Gò Dầu B hơn 6 năm và không hoạt động nên chi phí quản lý, bảo vệ ngày một tăng.

Ngoài ra, kể từ khi thành lập, VNLSY không hoạt động sản xuất - kinh doanh (do dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam chưa triển khai xây dựng), không có nguồn tài chính để thực hiện duy tu, bảo dưỡng nên kết cấu thép của ụ nổi xuống cấp rất nhanh. Do không có khả năng thanh toán một phần công nợ neo đậu theo yêu cầu nên cảng Gò Dầu B đã cắt hợp đồng cấp điện chiếu sáng và cấp nước cho 83M từ đầu năm 2013 khiến ụ nổi lâm vào tình trạng dễ gây mất an toàn, an ninh hàng hải.

Vào tháng 7-2014, thủy triều xuống đã kéo căng nhiều dây buộc làm gãy trụ buộc dây B3 khiến ụ nổi 83M bị trôi dạt. Trước sự cố này, cảng Gò Dầu B đã yêu cầu VNLSY bồi thường thiệt hại khoảng 785 triệu đồng. Tuy nhiên, do không có tiền, VNLSY đã đề nghị chậm thanh toán cho đến khi các cấp có thẩm quyền cho phép bán ụ nổi.

Từ cuối năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), căn cứ vào thực trạng của VNLSY, Vinalines đã xây dựng và báo cáo bộ các phương án khai thác 83M, như: liên doanh với nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục đầu tư, cho thuê hoặc hợp tác khai thác ụ nổi, tự khai thác và bán ụ nổi để thu hồi một phần vốn đã đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, các phương án này đều không thể thực hiện do thiếu đối tác.

Để xử lý dứt điểm ụ nổi, tránh phát sinh chi phí liên quan, trên cơ sở kiến nghị của VNLSY và tình hình thực hiện các phương án xử lý ụ nổi, Vinalines, VNLSY đã báo cáo Bộ GTVT đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép bán 83M. Bộ GTVT đã chỉ đạo Vinalines chủ động tìm kiếm đối tác, xử lý ụ nổi 83M theo quy định của pháp luật.

Rẻ như bán sắt vụn

Căn cứ báo cáo tài chính của VNLSY hôm 31-12-2015, giá trị sổ sách của ụ nổi 83M là khoảng hơn 500 tỉ đồng (gồm 462,8 tỉ đồng giá trị tạm tính ụ nổi bàn giao theo Quyết định số 688/QĐ-HHVN ngày 12-10-2010 và hơn 50 tỉ đồng chi phí neo đậu, chi phí bảo quản hằng tháng... từ thời điểm bàn giao đến ngày 31-12-2015).

Do ụ nổi 83M là tài sản đơn chiếc, không có giao dịch trên thị trường nên để có cơ sở xác định giá khởi điểm khi nhượng bán nguyên trạng, vận dụng theo nghị định của Chính phủ, VNLSY được thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá làm cơ sở bán tài sản.

Ngày 25-11-2015, VNLSY đã ký hợp đồng tư vấn với Công ty CP Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam về việc thẩm định giá nguyên trạng ụ nổi 83M. Theo chứng thư thẩm định giá ngày 7-12-2015, giá trị ụ nổi 83M xác định theo phương pháp chi phí là 34,8 tỉ đồng.

Lý giải về việc bán 83M quá bèo so với giá trị sổ sách của VNLSY, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng Giám đốc Vinalines, cho rằng giá trị sổ sách của ụ nổi bao gồm giá trị đầu tư và chi phí vận chuyển, bảo hiểm, lãi vay, neo đậu, các loại thuế. Kể từ thời điểm nhận bàn giao (năm 2010), ụ nổi 83M chưa đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh do chưa hoàn thành công tác sửa chữa để đủ điều kiện đăng ký khai thác, VNLSY chưa thực hiện trích khấu hao.

Mặt khác, ụ nổi 83M tiếp tục phát sinh chi phí neo đậu, bảo quản hằng tháng…, với tổng chi phí từ ngày 13-10-2010 đến 31-12-2015 khoảng hơn 50 tỉ đồng. Giá trị này được VNLSY hạch toán tăng giá trị sổ sách của ụ nổi 83M. Do không được sửa chữa, bảo dưỡng nên kết cấu thép của ụ nổi xuống cấp rất nhanh vì gỉ sét nhiều. Báo cáo thẩm định của Công ty AIC cho thấy tại thời điểm thẩm định giá, sắt thép ở mức thấp, đặc biệt là giá trị thép phế liệu lại càng thấp, ảnh hưởng lớn đến giá trị hiện tại của ụ nổi 83M.

“Giá khởi điểm 34,8 tỉ đồng đã được các cơ quan chức năng thẩm định. Việc sớm bán ụ nổi 83M để thu hồi một phần vốn đã đầu tư, tránh nguy cơ mất an toàn neo đậu, giảm thiệt hại cho Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines là việc làm cần thiết và sẽ được thực hiện một cách công khai, minh bạch” - ông Tĩnh cho hay.

Chờ ý kiến của Bộ GTVT

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Vinalines đang chờ ý kiến của Bộ GTVT và nếu bộ đồng ý, các cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch cụ thể để bán đấu giá ụ nổi 83 M.

“Đây mới chỉ là giá khởi điểm để đấu giá. Trong quá trình đấu giá, chắc chắn con số này sẽ tăng vì có sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ụ nổi này có khi trong nước chưa quan tâm nhưng các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm thì sẽ được giá cao” - ông Tĩnh kỳ vọng.

Theo NLĐ