Vietjet Air lấy tiền đâu tung hơn 14 tỷ USD mua máy bay?

Chỉ trong vỏn vẹn chưa đầy 2 năm, hãng hàng không giá rẻ này đã ký hợp đồng đặt mua tới 98 chiếc máy bay, thuê 8 chiếc và quyền mua 30 chiếc cùng mua hơn 15 động cơ với tổng số tiền dự chi lên tới hơn 14,5 tỷ USD.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Liên tục đặt mua máy bay với số lượng "khủng"

Ngày 10/11 vừa qua, Vietjet Air bất ngờ thông báo vừa tiếp tục ký kết hợp đồng với Airbus đặt mua thêm 30 tàu bay A321 (21 A321neo và 9 A321ceo) mới với tổng giá trị công bố lên tới 3,6 tỷ Đô la Mỹ. 

Dự kiến các tàu bay này sẽ được giao hàng từ cuối năm 2016 đến 2020 nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng hoạt động khai thác của hãng đến các nước trong khu vực châu Á. Theo kế hoạch, mỗi năm Vietjet sẽ nhận từ 8 đến 12 máy bay NEO thế hệ mới tiết kiệm nhiên liệu. 

Cùng ngày, Vietjet và CFM International đã ký kết hợp đồng đặt mua bổ sung 15 bộ động cơ CFM56-5B để trang bị cho các máy bay A321 mới đặt hàng của Vietjet. Thoả thuận này có tổng giá trị 700 triệu đô la Mỹ theo giá công bố bao gồm cả các động cơ dự phòng.

Hồi đầu tháng 7, Vietjet Air cũng đã chi 56 triệu USD mua động cơ máy bay cho đội tàu bay mới của hãng từ Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Honeywell (Honeywell Aerospace) Hoa Kỳ.

Trước đó, giữa tháng 6, tại Triển lãm Hàng không quốc tế Paris, VietJet Air đã ký hợp đồng mua thêm 6 chiếc máy bay Airbus A320, trị giá gần 600 triệu USD.

Tuy nhiên, lần "mạnh tay" nhất của Vietjet Air chính là hồi tháng 2/2014 khi hãng ký hợp đồng đặt hàng tổng cộng 100 máy bay các loại với Airbus, trong đó có 62 chiếc đặt mua, 30 chiếc là quyền mua thêm và 8 chiếc thuê. Tổng giá trị giao dịch theo biểu giá của nhà sản xuất lên tới 9,1 tỷ USD.

Như vậy, chỉ trong vỏn vẹn chưa đầy 2 năm, hãng hàng không giá rẻ này đã đặt mua tới 98 chiếc máy bay, thuê 8 chiếc và quyền mua 30 chiếc cùng mua hơn 15 động cơ với tổng số tiền dự chi lên tới hơn 14,5 tỷ USD. Có thể nói, hiếm có hãng hàng không nào trên thế giới có tốc độ đặt hàng "khủng" và mạnh tay chi ra số tiền lớn như VietJet Air. Trước khi có hợp đồng 9 tỷ USD nói trên, cả đội bay của VietJet Air đều là máy bay đi thuê.

Tiền đâu ra?

Hồi ký kết hợp đồng thuê mua 100 chiếc máy bay với Airbus, ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc VietJetAir cho biết, công ty đã thỏa thuận với Airbus nhận máy bay theo từng năm, từng quý. Theo thỏa thuận đã ký thì tiến độ thanh toán sẽ được rải đều theo kế hoạch nhận máy bay.

Về vấn đề tài chính, ông Khánh cho biết, số tiền Vietjet Air vay từ ngân hàng chỉ chiếm khoảng từ 10 - 20% trong gói tài trợ mua máy bay; còn lại phần lớn là từ nguồn tài trợ tín dụng xuất khẩu của các nước - tài trợ của các chính phủ cho chương trình mua máy bay; vay các định chế tài chính và ngân hàng nước ngoài; tài trợ dự án và IPO để huy động vốn... Các nguồn tài trợ đều đã nằm trong kế hoạch tài chính của Vietjet Air, chủ yếu sẽ là các nguồn vốn nước ngoài vì chi phí lãi vay thấp hơn ở Việt Nam.

"VietJetAir chủ yếu làm việc với các định chế tài chính và ngân hàng lớn của nước ngoài chuyên trong vấn đề tài trợ mua máy bay. Cho đến bây giờ, mọi việc đang theo đúng kế hoạch đặt ra bao gồm các thỏa thuận thu xếp tài chính", ông Khánh nói.

Vậy, những "đại gia" tài chính nào đứng sau Vietjet?

Để huy động được số tiền lớn trang trải cho các hợp đồng, Vietjet đã phải nhờ tới không chỉ một mà rất nhiều ngân hàng trong nước và quốc tế. Trong đó, TPBank là ngân hàng nội đầu tiên ký kết hợp đồng tín dụng máy bay cho Vietjet với hạn mức ban đầu 21 triệu USD.

Chiếc máy bay đầu tiên được bàn giao của Vietjet Air mang biểu tượng Vietcombank

Vietcombank cũng là một trong những đối tác cung cấp tài chính thu xếp vốn cho Vietjet Air thực hiện gói hợp đồng. Được biết, chiếc máy bay đầu tiên được bàn giao trong hợp đồng tiên của Vietjet Air mang biểu tượng Vietcombank.

Trước đó, một số ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính như GECAS (Mỹ) đã ký kết Hợp đồng tài trợ thuê mua tài chính; BNP Paribas (Pháp) và Jackson Square (Thuộc tập đoàn Misubishi UFJ - Nhật) và một số ngân hàng khác đã ký kết những Thỏa thuận nguyên tắc về cung cấp tài chính máy bay với Vietjet. 

Hồi đầu tháng 7 năm nay, Vietjet Air cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với ngân hàng JPMorgan Chase về tư vấn và thu xếp tài chính trong các hợp đồng mua và thuê tàu bay theo hình thức thông qua chương trình tín dụng xuất khẩu cho các hợp đồng đã ký và các hợp đồng mới trong tương lai của Vietjet Air.

Bên cạnh huy động nguồn tiền từ các định chế tài chính, Vietjet còn có kế hoạch IPO và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, đầu tháng 1 năm nay, Vietjet công bố kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 300 triệu USD, sớm nhất vào quý II năm nay, nhưng vẫn chưa quyết định xem liệu sẽ phát hành trong nước hay quốc tế. 

Cũng trong tháng 1, doanh nghiệp này quyết định sẽ IPO, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10/2015. Tuy nhiên, mới đây, ban lãnh đạo công ty này đã quyết định lùi lại đến cuối năm và cho biết, các công tác kiểm toán chuẩn bị quá trình bán cổ phần lần đầu đang hoàn tất. Bên cạnh đó, thay vì phát hành tại chọn thị trường chứng khoán nước ngoài Hong Kong hoặc Singapore như kế hoạch ban đầu, Vietjet sẽ IPO ngay tại thị trường trong nước.

Hãng hàng không này dự định sẽ thu được khoảng 800 triệu USD thông qua IPO.

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2014 của Vietjet Air, doanh thu của hãng đạt 8.100 tỷ đồng, trong khi mục tiêu năm 2015 đạt trên 11.600 tỷ đồng. Đầu năm nay, lãnh đạo Vietjet Air cho biết là hãng đã có lãi, tuy nhiên không tiết lộ con số cụ thể.

Mức mức tăng trưởng nhanh như vậy, trong khi mới bắt đầu có lãi, thì hãng này vẫn đang phụ thuộc mạnh vào vốn đi vay để đầu tư phát triển, thay vì dựa vào vốn chủ sở hữu.

Theo Bizlive