Việt Nam xếp hạng thấp về cạnh tranh tài năng

Việt Nam xếp hạng thứ 75 trong tổng số 93 nước về năng lực cạnh tranh tài năng toàn cầu (Global Talent Competitiveness Index - GTCI) trong năm 2014, không thay đổi nhiều so với thứ bậc 82 trên tổng số 103 nước trong năm 2013.
 Việt Nam xếp hạng thấp về cạnh tranh tài năng

GTCI là sự xếp hạng và đánh giá dựa trên khả năng phát triển, thu hút, giữ chân nhân tài, cũng như sự bất tương xứng giữa các công việc còn bỏ trống và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.

Kết quả nghiên cứu được trường kinh doanh INSEAD (Pháp), viện nghiên cứu nguồn nhân lực lãnh đạo HCLI (Singapore) và tập đoàn dịch vụ tuyển dụng nhân sự Adecco (Thụy Sĩ) khảo sát trong cả năm 2014 và được công bố ngày hôm nay, 11-2.

 Báo cáo này nhấn mạnh kĩ năng nghề nghiệp, giáo dục đào tạo nghề trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.

Theo báo cáo này Việt Nam có điểm số khá cao trong kỹ năng tri thức toàn cầu, nhưng lại có hiệu suất thấp trong việc phát triển tài năng thông qua hệ thống giáo dục chính quy.

 Thụy Sĩ là  quốc gia đứng đầu danh sách xếp hạng về năng lực cạnh tranh tài năng toàn cầu; tiếp theo là các quốc gia Singapore, Luxembourg, Mỹ, Canada, Thụy Điển, Anh, Đan Mạch, Australia, Ireland.

 Ông Bruno Lanvin, Giám đốc điều hành chỉ số toàn cầu của INSEAD, phân tích: Các quốc gia hàng đầu trong GTCI đã tham gia và thực tiện tốt toàn cầu hóa, thu hút nhân tài qua chính sách nhập cư như Hoa Kỳ, Canada, Thụy Điển, Vương quốc Anh, và Úc; hoặc đã ưu tiên phát triển giáo dục như Đan Mạch (thứ hạng 8), Na Uy (11), Phần Lan (13).

Bà Nicola Connolly, Tổng giám đốc của Adecco Việt Nam, cho rằng nền kinh tế đang hồi phục, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tại Việt Nam có nhu cầu tìm nhân sự có kỹ năng. Dù không có nhiều nhân tài, nhưng Việt Nam đang sử dụng tốt các nhân tài hiện có của mình.

 Tuy nhiên, theo bà Nicola Connolly, chất lượng giáo dục Việt Nam không cao, và Việt Nam cũng không thực hiện tốt việc học tập lâu dài được như Thái Lan. Nhiều nhân tài chuyển sang quốc gia khác làm việc để được phát triển tốt hơn.

 Tổng cộng 93 quốc gia có mặt trong nghiên cứu này đại diện cho gần 84% dân số thế giới và hơn 96% GDP của thế giới.

                                                                   Theo TBKTSG