Việt Nam vẫn chưa có khái niệm thế nào là “Made in Vietnam”!

VietTimes -- Chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên đề: Thế nào là “Made in Vietnam”, bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) cho biết chưa có khái niệm cụ thể thế nào là “Made in Vietnam” và dẫn chứng một số quy tắc dán nhãn “made in” tại một số quốc gia. Khái niệm “made in” gắn kết chặt chẽ với quy tắc xuất xứ của sản phẩm nhưng cũng được áp dụng khá linh hoạt.
Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) - chia sẻ tại buổi tọa đàm (Ảnh: VT)
 Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) - chia sẻ tại buổi tọa đàm (Ảnh: VT)

Vị đại diện của VCCI cho biết, mỗi quốc gia đều có quy định riêng về từng mặt hàng cụ thể bắt buộc phải dán nhãn lên hàng hóa.

Cụ thể, thị trường Mỹ quy định tất cả hàng hóa (hoặc bao bì đóng gói hàng hóa) có xuất xứ ngoài Mỹ, ngoại trừ một số trường hợp như: hàng hóa không có khả năng được đánh dấu như trái cây (có thể áp dụng đánh dấu trên bao bì đóng gói hàng hóa này).

Thị trường Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu dán nhãn xuất xứ lên thực phẩm và mỹ phẩm nhập khẩu. Bà Hương cho hay hiện tại không có bất kỳ quy định của EU liên quan đến dán nhãn “made in” cho hàng hóa không phải thực phẩm nhập khẩu vào EU. Nhà sản xuất và nhà nhập khẩu có quyền tự do dán nhãn thông tin xuất xứ lên hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, EU quy định bắt buộc phải khai báo nước xuất xứ của hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản yêu cầu bắt buộc phải dán nhãn lên thực phẩm nhập khẩu. Nga cũng có quy định riêng khi yêu cầu dán nhãn xuất xứ lên tất cả hàng hóa tiêu dùng.

Lấy dẫn chứng về sản phẩm Hộp Drona do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã được cấp C/O mẫu A cho xuất khẩu sang EU, bà Hương chia sẻ mặc dù sản phẩm này đáp ứng được quy tắc xuất xứ tại Việt Nam “đáng lẽ phải Made in Vietnam” nhưng bao bì vẫn dán nhãn “Made in China” theo yêu cầu của khách hàng.

Theo đó, căn cứ theo quy định của Mỹ, sản phẩm này được quy vào mã số HS 6307 - được coi như là sản phẩm dệt may. Tuy nhiên, khách hàng bên Mỹ không yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam xuất trình giấy chứng nhận xuất xứ mà chỉ yêu cầu cung cấp nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu đầu vào.

“Họ nhận thấy sản phẩm vải mà công ty sử dụng có nguồn gốc xuất xứ tại Trung Quốc. Do đó, toàn bộ sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam nhưng vải không được sản xuất tại Việt Nam nên khách hàng yêu cầu dán nhãn: Made in China” - bà Trần Thị Thu Hương chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà Hương cũng cho biết thêm rằng quy định xuất xứ tại các nước cũng có nhiều điểm riêng biệt nên không tránh khỏi những xung đột. Việc áp dụng các quy tắc xuất xứ đôi khi cũng được sử dụng để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.

Các diễn giả phát biểu tại tọa đàm Thế nào là Made in Vietnam? (Ảnh: VT)
Các diễn giả phát biểu tại tọa đàm Thế nào là Made in Vietnam? (Ảnh: VT)

Nhận định về tình trạng gian lận thương mại, “đội lốt” hàng Việt Nam, bà Hương chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy đã phát hiện nhiều doanh nghiệp chỉ thực hiện những “công đoạn sản xuất đơn giản” nên đã từ chối cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

“Tình trạng gian lận thương mại giờ đã không còn như trước, doanh nghiệp đã sử dụng những phương thức tinh vi hơn, mua bán lòng vòng để việc truy suất nguồn gốc trở nên khó khăn hơn” - bà Hương cho hay.

Vị đại diện của VCCI cũng đề xuất việc các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan Hải quan cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, luật sư Trần Ngọc Trung - Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie - đánh giá việc gắn nhãn "made in Vietnam" dưới góc độ người tiêu dùng. Ông nhận định “vấn đề cuối cùng vẫn là chất lượng của hàng hóa”.

“Cần tránh biến việc gắn nhãn mác trở thành thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thay vì quản lý câu chuyện về xuất xứ, việc quản lý chất lượng sản phẩm của cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng hơn trong vấn đề này” - ông Trung lưu ý./.