Đó là nội dung trao đổi trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi vào sáng nay (18/12).
Tại cuộc hội đàm, trao đổi về hợp tác an ninh - quốc phòng, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác, không cho phép các cá nhân, tổ chức sử dụng lãnh thổ nước này thực hiện các hoạt động chống phá nước kia; thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, bảo vệ thông tin mật, pháp luật và tư pháp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ Myanmar đã đồng ý nhập khẩu quả thanh long của Việt Nam theo mùa vụ; đánh giá cao việc vừa qua Myanmar đã tích cực tháo gỡ một số vướng mắc cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cố vấn Nhà nước Myanmar ghi nhận các đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tiếp tục tạo thuận lợi, giảm bớt rào cản kỹ thuật hàng xuất khẩu Việt Nam; thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu Việt Nam cần xin giấy phép trong bối cảnh hội nhập và tự do hóa khu vực đang phát triển.
Bà cũng đồng ý sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam được đối xử công bằng, được tiếp cận nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh hơn tại Myanmar; đẩy nhanh tiến độ cấp phép, có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam; tạo điều kiện cho các văn phòng đại diện, chi nhánh của các ngân hàng Việt Nam hoạt động hiệu quả tại Myanmar.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Myanmar đề xuất khả năng thành lập một khu công nghiệp Việt Nam tại Myanmar, đề nghị các bộ ngành và doanh nghiệp hai nước nghiên cứu cụ thể; khẳng định Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Myanmar, coi đây là thị trường trọng điểm trong tương lai, đồng thời hoan nghênh doanh nghiệp Myanmar đầu tư vào Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi phương hướng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, viễn thông, khai khoáng, năng lượng, xây dựng… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị giao các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác về nuôi trồng và chế biến thủy sản, sản xuất lúa, trồng cây công nghiệp, trồng rừng, khai thác và chế biến lâm sản.
Toàn cảnh cuộc hội đàm
|
Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đồng ý xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam được triển khai cáp quang và hạ tầng viễn thông; tham gia các dự án công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, các dự án phát triển xã hội, chính phủ điện tử; được đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí và cung ứng dịch vụ dầu khí; đầu tư trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, xuất khẩu và sản xuất vật liệu xây dựng cũng như các lĩnh vực tiềm năng khác.
Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, ASEAN cũng như các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác như ACMECS, CLMV, GMS, EWEC...
Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và nỗ lực xây dựng COC hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý.
Ngay sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký và trao 3 văn kiện hợp tác quan trọng, gồm Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-Myanmar giai đoạn 2019-2024, Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao và lễ trao Công hàm sửa đổi Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông của hai nước và cùng tiến hành gặp gỡ báo chí hai nước.