Bloomberg phát hiện rằng, dường như đang có một sự "đồng biến" giữa doanh số tiêu thụ bia và tình hình phát triển kinh tế.
Doanh số tiêu thụ bia ở các nước phát triển như Mỹ và Tây Âu không tăng trong những năm gần đây. Tại Nhật Bản, doanh thu liên tục giảm trong hơn một thập kỷ qua, còn tại Australia, lợi nhuận từ ngành công nghiệp này đã thấp đến mức kỷ lục trong hơn 60 năm qua khi người dân nước này đang già đi và càng thích uống rượu hơn.
Sản lượng tiêu thụ bia của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Ảnh Bloomberg |
Ngược lại ngành công nghiệp bia đang phát triển thịnh vượng tại các nước châu Á, với doanh thu liên tục tăng, độ tuổi uống bia ngày càng trẻ, và hệ thống phân phối dần được hoàn thiện.
Trên bảng xếp hạng các hãng bia có thị phần lớn nhất toàn cầu, Trung Quốc có 4 đại diện. Dòng bia có thương hiệu Snow chiếm 5,4% thị phần toàn thế giới, mức tăng trưởng doanh số đạt mức 573% kể từ năm 2005. Còn dòng Tsingtao đứng ở vị trí thứ hai, chiếm 2,8% thị phần cao hơn Budlight (2,5%) và Budweiser (2,3%) của Mỹ.
Tuy bia nằm trong các mặt hàng không thiết yếu, song chuyên gia Raphaele Auberty, tại BMI nhận định: “Ngành công nghiệp thức uống có cồn tương đối chịu ít tác động hơn so với ngành sản xuất các mặt hàng, dịch vụ xa xỉ khác”.
Tuy nhiên, cũng có một vài ngoại lệ ở các thị trường như Philippines và các quốc gia hồi giáo Malaysia và Indonesia. Tại Philippines, Chính phủ áp một loại thuế đặc biệt đối với các sản phẩm thức uống có cồn và thuốc lá, được gọi là “thuế tội lỗi”.
"Chính sách này cộng với ngành công nghiệp bán lẻ kém phát triển và bất bình đẳng thu nhập có thể ảnh hưởng xấu tới sản lượng tiêu thụ (bia)” – chuyên gia từ BMI đánh giá. Còn Chính phủ quốc gia hồi giáo lớn nhất thế giới Indonesia, đã cấm các cửa hàng tạp hóa kinh doanh bia.
Bia là ngành công nghiệp nhiều triển vọng phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh: Saigoneer |
Còn tại Việt Nam, BMI đánh giá bia là lĩnh vực mang lại nhiều cơ hội (kinh doanh) mạnh mẽ nhất trong các nước Đông Nam Á. Điều này được BMI giải thích qua hai nhân tố. Thứ nhất, theo thống kê của BMI, tăng trưởng tiêu dùng khối tư nhân tại Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% trong năm 2015 và 6,4% năm 2016. Điều này cộng với cơ cấu dân số trẻ sẽ “chắp cánh” cho sản lượng tiêu thụ bia.
Nguyên nhân thứ hai đến từ văn hóa, du lịch. Việt Nam có “văn hóa bia” phát triển và một ngành du lịch đang đi lên. Điều này góp phần khiến thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước trong khu vực là thấp, song mức tiêu thụ bia trên thu nhập lại rất cao.
Theo dự đoán, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng đạt mức 6% trong năm này, thuộc loại nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. BMI kỳ vọng Việt Nam tiếp tục là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất châu Á cho các sản xuất đồ uống, trong đó bia sẽ vẫn là lĩnh vực đặc biệt hấp dẫn trong nửa thập kỷ tới.
Theo VnE