Việt Nam sẽ khởi công xây nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020

Các bộ ngành liên quan của Việt Nam sẽ bắt đầu thẩm định hồ sơ phê duyệt dự án nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận vào năm 2016 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến việc khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam diễn ra vào năm 2020
Việt Nam sẽ khởi công xây nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo phát triển điện hạt nhân diễn ra tại TPHCM sáng nay, 3-12, ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, nói rằng trong năm 2016 các bộ ngành sẽ bắt đầu thẩm định hồ sơ phê duyệt dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 cũng như thẩm định các hồ sơ về đánh giá tác động môi trường, phê duyệt địa điểm xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Công tác thẩm định hồ sơ cho các dự án điện hạt nhân của Việt Nam đều thông qua tham vấn các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Sau đó, sang năm 2017 sẽ bước vào giai đoạn chuẩn bị hồ sơ để ký hợp đồng với các đối tác, trước mắt là với Tập đoàn Rosatom (Nga), để xây dựng và đưa vào vận hành các tổ máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. 

Thời gian dự kiến hoàn thiện hồ sơ và khởi công (đổ mẻ bê tông đầu tiên cho đáy lò phản ứng) xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào khoảng năm 2020, ông Tuấn cho hay.

ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ
Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ

Nguồn vốn chính xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 dựa vào hiệp định tín dụng liên chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga, trong đó phần vốn mà Việt Nam bỏ ra chủ yếu dành cho các hạng mục cơ sở hạ tầng bên ngoài và đào tạo nhân lực.

Hiện nay, kinh phí đầu tư điện hạt nhân được đánh giá là đã tăng cao hơn nhiều so với giai đoạn 5 – 10 năm trước, do vậy trong các báo cáo đầu tư dự án sẽ phân tích kỹ giá thành phát điện và tổng mức đầu tư.

 Đặc điểm của điện hạt nhân là chi phí đầu tư ban đầu rất lớn nhưng sau đó chi phí nhiên liệu vận hành lại rất thấp nên nhìn chung thời gian hoàn vốn của một dự án điện hạt nhân sẽ khá dài. Một tổ máy điện hạt nhân có thời gian vận hành trong khoảng 60 năm.

Theo thiết kế hiện nay, mỗi nhà máy trong giai đoạn 1 có hai tổ máy với công suất mỗi tổ máy khoảng 1.000 MW. Nếu xây dựng xong hai nhà máy sau năm 2020 thì Việt Nam sẽ có trước 4 tổ máy điện hạt nhân đi vào vận hành, đóng góp khoảng 3 - 4% trong tổng nhu cầu điện năng của cả nước. 

Theo định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân quốc gia thì điện hạt nhân sẽ đóng góp khoảng 10% tổng công suất điện quốc gia trong những năm tới.

Ông Tuấn cũng thừa nhận là Việt Nam chưa hề có kinh nghiệm làm điện hạt nhân, nên có thể có những việc làm, công tác chuẩn bị chưa đồng bộ, chưa có chính sách để huy động nguồn nhân lực trẻ, cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Theo thông tin được TBKTSG đăng tải hồi cuối tháng 2014, đại diện Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Rosatom (Nga) cho biết sẽ ưu tiên sử dụng tối đa các nhà thầu phụ Việt Nam cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với tỉ lệ nội địa hóa mà các nhà thầu phụ Việt Nam có thể tham gia tại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có thể lên đến 40%. 

Trong đó phần việc phía nhà thầu phụ Việt Nam có thể tham gia là cung cấp nguyên vật liệu xây dựng cơ bản, xây dựng công trình, ưu tiên các nhà thầu Việt Nam có kinh nghiệm từng xây dựng các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, nhà máy chế biến hóa chất.

Theo TBKTSG