Đó là trao đổi của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khi gợi mở các vấn đề về hạ tầng viễn thông băng rộng trong cuộc CMCN 4.0, vừa diễn ra sáng nay (13/7) tại trụ sở Bộ.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, đón bắt xu hướng này, các nhà mạng bên cạnh phát triển mạng lưới và an toàn thông tin hạ tầng viễn thông - CNTT, đang đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng mới như điện toán đám mây, IoT, thành phố thông minh, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo…
Theo nghiên cứu của Bộ KHCN vừa công bố tháng 4/2017, mức độ sẵn sàng với CMCN 4.0 của Việt Nam là Trung bình, thể hiện qua các chỉ số cạnh tranh toàn cầu, đổi mới sáng tạo toàn cầu, sẵn sàng kết nối mạng và cạnh tranh sản xuất toàn cầu. Ngoài ra, còn thể hiện theo các xu hướng công nghệ như IoT, Giao thông thông minh, Robotics, In 3D, Vật liệu tiên tiến, Năng lượng tái tạo,…
Theo ông Lê Xuân Công - Vụ trưởng Vụ KHCN - Bộ TT&TT, về nguồn nhân lực, mặc dù học sinh, sinh viên Việt Nam được đánh giá có ưu thế về các môn học STEM, nhưng các chỉ số đánh giá của quốc tế những năm gần đây như chỉ số cạnh tranh toàn cầu, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu, cho thấy nhân lực của Việt Nam cơ bản vẫn chưa sẵn sàng cho CMCN 4.0, chưa tương đương nhóm ASEAN 4.
Năng suất lao động Việt Nam năm 2015 chỉ bằng 4,4% so với Singapore, 17,4% so với Malaysia, 35.2% so với Thái Lan, 48,5% so với Philippines. Vì vậy, nguy cơ mất việc làm do áp dụng những tiến bộ của tự động hoá ở Việt Nam sẽ rất cao.
“Tuy nhiên, có những dấu hiệu đáng mừng. Tháng 5/2016, nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho thấy Việt Nam thuộc top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ASEAN.
Tháng 6/2016, nghiên cứu của Oxford Economics cho thấy, mật độ thuê bao Internet di động của Việt Nam vượt xa so với mức trung bình của nhóm các nước có thu nhập tương đương ở ASEAN. Dự báo đến 2020, kinh tế Internet di động sẽ góp thêm 5,1 tỷ USD vào GDP, tạo mới 146.000 việc làm”, ông Lê Xuân Công nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Vụ KHCN - Bộ TT&TT, CMCN 4.0 khác hẳn với các cuộc CMCN trước đó ở 3 điểm đặc trưng: Thứ nhất là tốc độ: So với 3 cuộc CMCN trước, CMCN 4.0 đang phát triển với tốc độ hàm mũ chứ không phải tuyết tính; Thứ hai, về phạm vi, hầu hết mọi ngành công nghiệp ở mọi nước đều đòi hỏi sáng tạo đội phá; Và thứ ba là sự tác động hệ thống: Nhịp độ nhanh và độ sâu cũng những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất và quản lý.
Tại Việt Nam, tháng 5/2017, số thuê bao Internet băng rộng cố định tại VN đạt khoảng 9,9 triệu thuê bao. Dịch vụ Internet băng rộng sử dụng công nghệ mới ngày càng chiếm ưu thế và được ưa chuộng bởi chi phí ban đầu thấp, triển khai dịch vụ nhanh, chất lượng dịch vụ tốt.
Số lượng thuê bao băng rộng sử dụng công nghệ xDSL có hơn 1,4 triệu, cáp truyền hình (CATV) chỉ 6 ngàn, cáp quang (FTTH) đạt hơn 7,6 triệu. Thuê bao Internet băng rộng di động đạt 49 triệu thuê bao.
Thị trường dịch vụ di động phát triển mạnh mẽ, đến hết năm 2016, tổng số thuê bao di động (2G và 3G) đạt khoảng 124,2 triệu, trong đó, thuê bao 3G phát sinh lưu lượng so với năm 2015 tăng từ 35,78 triệu lên 48 triệu.
Từ năm 2016, có 4 doanh nghiệp được cấp phép triển khai mạng 4G LTE và đến tháng 3/2017, khoảng gần 43.000 trạm 4G và 83.000 trạm 3G, phủ sóng 95% dân số.
Đến tháng 5/2017, tổng băng thông kết nối Internet trong nước đạt 1919 Gbps, gấp 1,6 lần so với năm 2016, tổng băng thông kết nối Internet quốc tế trên 4503 Gbps, gấp 2 lần năm 2016.
Số lượng địa chỉ IPv6 tính đến tháng 10/2016 đã tăng 61% so với năm 2015. Tổng dung lượng truyền dẫn đạt hơn 1.200 Gbps (bao gồm cả cáp biển, gateway, đường trục và vệ tinh). Được biết, hiện VNPT đang khai thác 3 tuyến cáp quang biển quốc tế là SMW-3, AAG và APG. Trong đó, Apg hiện là tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất tại khu vực châu Á với băng thông tối đa có thể lên tới 54 Tbps.