Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) nhằm khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Hội nghị COP21 diễn ra trong bối cảnh các quốc gia đang tăng cường nỗ lực ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trong đó có biến đổi khí hậu. Hội nghị của Liên Hợp Quốc về môi trường và phát triển bền vững tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil vào tháng 6/1992 đã thông qua Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Công ước UNFCCC). Đây được coi là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên làm cơ sở cho hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội nghị COP21 nhằm thảo luận để xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới, dự kiến sẽ thông qua Thỏa thuận Paris 2015 và áp dụng từ sau năm 2020 cho tất cả các quốc gia.
Việt Nam tham dự Hội nghị COP21 nhằm khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Cộng hòa Pháp lần này, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cũng sẽ có các buổi làm việc với một số bộ, ngành, địa phương của Pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước.
Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp tiếp tục phát triển tốt đẹp, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp. Đặc biệt, nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 9/2013, hai bên đã ký Tuyên bố chung, nâng quan hệ hai nước lên tầm Đối tác chiến lược, đây là cơ sở đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trong những điểm sáng trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp. Hiện Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan và Italy). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2014 đạt khoảng 3,5 tỉ USD, tăng gần 11% so với năm 2013.
Pháp đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988 và tính đến tháng 6/2015, Pháp đứng thứ hai trong số các nước châu Âu (sau Hà Lan) và đứng thứ 15 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với gần 430 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3,38 tỉ USD.
Đầu tư của Pháp vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp, phân phối điện, nước, phân phối hàng hóa, tài chính ngân hàng… Hiện có 5 doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư tại Pháp với tổng số vốn đạt 1,88 triệu USD.
Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, hiện Pháp là nhà tài trợ song phương ODA hàng đầu châu Âu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á, với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỉ USD (từ năm 1993).
Việt Nam cũng là một trong số ít nước được hưởng cả 3 kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).
Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch, y tế, khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng, hợp tác địa phương (hợp tác phi tập trung)… giữa Việt Nam và Pháp thời gian qua cũng có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hiện nay, Việt Nam và Pháp đã ký nhiều hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực như: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác về y tế và y học, Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định hợp tác về pháp luật và tư pháp, Hiệp định hợp tác về du lịch…
Theo VGP