Việt Nam cần có Luật Thanh toán để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes –  Sáng 4/12/2020 tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng và Tạp chí Ngân hàng đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số”. Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh dịch cúm Covid-19 đã là tác nhân thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Các diễn giả trong phần thảo luận chuyên đề tại hội thảo
Các diễn giả trong phần thảo luận chuyên đề tại hội thảo

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) có giá trị rất lớn với nền kinh tế đất nước, vì góp phần làm giảm chi phí lưu thông tiền tệ cho xã hội, quản lý thuế hiệu quả và phòng, chống được vấn nạn tham nhũng, hối lộ. Năm 2020, TTKDTM đã có bước phát triển đột phá do tác động của dịch cúm Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta còn phải có thêm nhiều nỗ lực để TTKDTM tiếp tục phát triển với những lợi ích ngày càng thấy rõ.

Theo ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) đạt 94,2 triệu món, giá trị đạt gần 67,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 85,6% về số lượng và 138,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016 (là năm ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg). Hệ thống TTĐTLNH đã hoàn thành kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 63 Kho bạc Nhà nước (KBNN) cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời.

Đáng ghi nhận là trong năm 2020, Chính phủ đã khai trương, đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia (có tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến), giúp người dân, doanh nghiệp có thể dùng tài khoản tại ngân hàng, tổ chức TGTT để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công mọi nơi, mọi lúc thay vì phải mất thời gian về địa phương để nộp tiền như trước đây.

Tuy nhiên, theo ông Dũng TTKDTM vẫn còn một số tồn tại và thách thức như các quy định về pháp lý vẫn phải tiếp tục hoàn thiện và bổ sung để vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn vừa đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước trong nền kinh tế. Tiếp đó là thói quen, tâm lý thích sử dụng tiền mặt của người dân mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến; một bộ phận người sử dụng còn có tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh, an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử. Cũng phải đề cập là việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ TTKDTM lá khá lớn, nên các NHTM cũng cần phải cân nhắc, tính toán, đảm bảo hiệu quả kinh doanh, do đó việc phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán cũng còn một số hạn chế (nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa). Thêm vào đó là song hành với sự phát triển của công nghệ thì tội phạm công nghệ cao cũng là một vấn nạn và phải có những biện pháp cả về kỹ thuật công nghệ và an ninh để ngăn ngừa…

TS Cấn Văn Lực – Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thì cho biết, tuy tỷ lệ TTKDTM toàn cầu trong đó có Việt Nam gia tăng do tác động của Covid-19 nhưng con số thanh toán thực tế lại giảm vì chính Covid-19 đã làm cho các nền kinh tế bị suy giảm tốc độ tăng trưởng.

Theo ông, để TTKDTM gia tăng sự phát triển trong thời gian tới, việc liên thông cơ sở dữ liệu định danh cá nhân với hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết. Ông cũng đề cập việc các ngân hàng phải ứng dụng công nghệ sinh trắc học để mỗi cá nhân được nhận dạng rõ ràng khi mở tài khoản của mình.

Trong phần thảo luận, ông Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, cho đến nay đã có 51/63 tỉnh, thành phố, 12/24 bộ ngành đã kết nối liên thông các dịch vụ công. Và 43/46 ngân hàng thương mại đã tham gia phục vụ việc thu phí dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ Công trực tuyến của Văn phòng Chính phủ. “Thể chế luôn phải đi trước để thúc đẩy TTKDTM” – ông Ngô Hải Phan khẳng định.

Đại tá Trương Sơn Lâm – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao cho biết, chính trong TTKDTM thì tội phạm công nghệ cao luôn là mối đe doạ lớn nhất. Trong năm 2020 đã có tới 5.000 cuộc tấn công mạng của tội phạm vào các ngân hàng. Vì thế, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngân hàng thương mại với lực lượng an ninh để phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Thu phí không dừng góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: VietnamNet

Thu phí không dừng góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: VietnamNet

TS Cấn Văn Lực lại cho rằng phải đẩy mạnh TTKDTM với y tế, giáo dục và thu phí không dừng trong giao thông vì ăn ở, đi lại, học hành là tối quan trọng với xã hội và mọi người dân. Ông cũng đề cập là rủi ro về CNTT trong tài chính – ngân hàng cần được tách riêng do những đặc thù riêng của nó.

Là một doanh nghiệp lớn hoạt động trên quy mô toàn quốc, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, lưới điện quốc gia hiện đã phổ cập đến 99,54 hộ tiêu thụ. Và từ năm 2017 đến nay, về cơ bản việc thu tiền điện đã được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với con số khoảng 97%.

Theo ông Lê Mạnh Hùng – Cục trưởng Cục CNTT Ngân hàng, với sự phát triển rất nhanh của công nghệ 4.0, việc cần làm của NHNN mà trong đó có Cục CNTT Ngân hàng là phải làm tốt nhiệm vụ xây dựng thể chế. Việt Nam rất cần xây dựng được Luật Thanh toán để thể chế hoá hoạt động TTKDTM trong các giao dịch của nhà nước, xã hội và người dân.

Tổng kết hội thảo, PGS TS Đỗ Thị Kim Hảo – Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Ngân hàng đánh giá cao các báo cáo đã thu thập được và cho biết, Học viện Ngân hàng cùng Tạp chí Ngân hàng sẽ chính thức có tổng kết toàn diện để trình lãnh đạo NHNN với mong muốn về những thể chế chính sách mới cho TTKDTM bên cạnh những đầu tư của các ngân hàng thương mại và công ty công nghệ tài chính (fintech) cho lĩnh vực này.