4 khó khăn, tồn tại trong xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Nói về các khó khăn, tồn tại trong xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam, đại diện Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng chỉ ra 4 vấn đề.

Cơ chế nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh còn thiếu

Ông Trần Ngọc Linh, đại diện Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) trao đổi về thực trạng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức trong các ngày 2-3/12.

Về quy hoạch đô thị thông minh, đại diện Cục Phát triển Đô thị cho rằng nhiều địa phương đã bắt đầu tập trung vào xây dựng nền tảng cho quy hoạch thông minh, trước hết xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào quy hoạch và công tác quản lý thông minh.

Hiện nay có khoảng 43 thành phố, thị xã tại các địa phương đang thực hiện, trong số đó có 38 Sở Xây dựng là đơn vị chủ trì.

GDD_4728.JPG
Ông Trần Ngọc Linh, đại diện Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng).

Cục Phát triển đô thị ghi nhận hiện có khoảng 57 địa phương đã triển khai cung cấp dịch vụ, tiện ích của đô thị thông minh. Trong đó, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông như giám sát trật tự và an toàn giao thông, y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo. 19 tỉnh triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh.

Nói về các khó khăn, tồn tại trong xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam, ông Trần Ngọc Linh chỉ ra 4 vấn đề. Trong đó, khó khăn lớn nhất là cơ chế nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh còn thiếu; chưa có hình thức liên kết, kết nối khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong phát triển đô thị thông minh nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống hóa.

Khó khăn thứ hai là công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh chưa được đẩy mạnh, thiếu hành lang pháp lý.

"Việc chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu từ dạng CAD sang GIS còn chậm. Phát triển đô thị thông minh tập trung chủ yếu vào cung cấp các dịch vụ, tiện ích gắn với dịch vụ của chính quyền điện tử", đại diện Cục Phát triển đô thị nói.

Khó khăn nữa được ghi nhận là chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, nguồn dữ liệu không đầy đủ, liên thông chưa đồng bộ. Cùng với đó là vấn đề chuẩn hóa và lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn hạn chế về số lượng; công tác tổ chức thực hiện còn lúng túng.

Ngoài việc triển khai đề án ở mức tỉnh thành, hiện đã có nhiều địa phương giao cho các đô thị trực thuộc triển khai thí điểm phát triển đô thị thông minh trước khi triển khai nhân rộng ở quy mô toàn tỉnh.

z4602470720470abb974012a11eb222772f58c491fa984-16919994166802116511397.jpg
Việc đưa Trung tâm IOC vào hoạt động sẽ giúp lãnh đạo địa phương giám sát, điều hành, đưa ra các quyết định và quản lý chất lượng dịch vụ công.

Tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam ngang tầm châu Á

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA dẫn thống kê gần nhất và cho biết cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của châu Á. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Với tốc độ đô thị hóa đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng về chính trị, kinh tế, công nghệ.

"Kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ mới có thể là câu trả lời", ông Nguyễn Văn Khoa nói.

Ông Khoa cho rằng kinh tế số đòi hỏi thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế truyền thống. Kinh tế xanh là sự phát triển bền vững hướng tới môi trường và văn hóa. Yếu tố công nghệ mới đến từ những ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có được sức hấp dẫn lớn như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)…

Ng Van Khoa.jpg
Ông Nguyễn Văn Khoa giới thiệu với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội và các ban ngành, địa phương về một số sản phẩm ứng dụng cho đô thị thông minh.

Theo đánh giá của VINASA, thành phố thông minh, đô thị thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng đó, Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.

Theo thống kê, đến nay đã có 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh.

Nêu thực tiễn triển khai thành phố thông minh tại Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội cho biết thành phố sẽ ưu tiên các vấn đề như giao thông đô thị, bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa, du lịch và bảo vệ môi trường nước, không khí.

Trong xây dựng thành phố thông minh, theo các chuyên gia, quan trọng nhất là dữ liệu. Ông Nguyễn Việt Hùng khẳng định Thủ đô sẽ xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiện đại, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu quản lý đô thị thông minh, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố theo hướng bền vững.

"Việc này hướng đến việc tối ưu hóa quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu, tăng cường hiệu quả của dịch vụ công và nâng cao chất lượng sống cho người dân", ông Hùng nói.