Viện trưởng Viện Pasteur TpHCM Phan Trọng Lân: Đi học, trẻ sẽ an toàn hơn

VietTimes -- Tại cuộc họp UBND chiều 25/2, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào tạo TP.HCM đề xuất cho học sinh đi học trở lại và tùy vào từng cấp mà có phương án khác nhau.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề xuất cho học sinh lớp 12 và lớp 9 đi học vào ngày 2/3. Ảnh: N.T
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề xuất cho học sinh lớp 12 và lớp 9 đi học vào ngày 2/3. Ảnh: N.T

Cụ thể, trẻ mầm non được nghỉ học đến hết ngày 15/3, đi học lại vào ngày 16/3. Khi đi học trở lại, sẽ không tổ chức ăn sáng tại trường, trước khi vào lớp học giáo viên sẽ kiểm tra tình hình sức khỏe cho trẻ. Nếu trẻ ho, sốt sẽ không được vào lớp và cho trẻ về nhà theo dõi.

Học sinh tiểu học nghỉ đến hết ngày 15/3. Đến ngày 16/3, học sinh tiểu học sẽ đi học trở lại và chỉ học 1 buổi.

Học sinh lớp 9  và lớp 12 đi học trở lại vào ngày 2/3 và chỉ học 1 buổi. Đến ngày 16/3, học sinh các lớp còn lại đi học trở lại.

Đối với các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp,... trên địa bàn TP.HCM sẽ tự chủ về lịch học theo mốc thời gian từ ngày 2/3.

Ông Lê Hồng Sơn cho hay, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 1.7 triệu học sinh bao gồm mầm non, tiểu học, THCS, THPT,... Trong đó, có hơn 73.000 học sinh lớp 12 và gần 100.000 em học lớp 9.

Ông Phan Trọng Lận - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nêu ý kiến tại cuộc họp chiều 25/2. Ảnh: N.T
Ông Phan Trọng Lận - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nêu ý kiến tại cuộc họp chiều 25/2. Ảnh: N.T

Ông Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết, hiện nay biện pháp phòng chống là phát hiện sớm, chẩn đoán nhanh, quản lý ca bệnh, quản lý người tiếp xúc, cách ly ca bệnh. Từ khâu chẩn đoán đến cách ly, quản lý ca bệnh, quản lý người tiếp xúc tại miền Nam, cụ thể là ở TP.HCM rất tốt.

Trên thế giới, hiện chỉ có 2 học sinh bị nhiễm COVID-19 ở Nhật. Nhưng trường hợp lây này cũng không phải lây trong trường học. Như vậy, chúng ta chưa thấy sự lây nhiễm trong trường học.

Hiện chúng ta đang sợ rằng nếu một trường hợp bị nhiễm trong trường học thì sẽ tiếp tục lây ra cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chúng ta phát hiện, giám sát bệnh tốt, trường hợp nào có yếu tố dịch tễ như sốt, ho,... thì được kiểm tra và cách ly.

"Nếu so sánh giữa các em ở nhà với các em đến trường, cá nhân tôi thấy các em đến trường sẽ an toàn hơn. Với các em có dấu hiệu dịch tễ thì được ở nhà để theo dõi sức khỏe" - Ông Lân nói.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM - cho rằng, nếu không kiểm soát, giám sát tốt, trường học là nơi có nguy cơ phát dịch rất cao. Hiện Sở Y tế đang kết hợp với ngành giáo dục chuẩn bị các biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho học sinh khi trở lại trường.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM - phân tích, toàn thành phố có hơn 2.000 trường học, mỗi trường có hơn 1.000 học sinh. Nếu tất cả học sinh đi học và tất cả đều mang khẩu trang thì mỗi ngày TP.HCM cần ít nhất 3 triệu cái khẩu trang. Đây là điều bất khả thi thì không đủ nguồn cung. Trong trường hợp học sinh không đeo khẩu trang đồng loạt, có nơi đeo, có nơi không thì khi xảy ra lây bệnh sẽ như thế nào?

Ông Phong nhấn mạnh: "Hiện Chính phủ chưa chốt ngày học sinh đi học lại, do đó, TP.HCM phải chủ động phương án cụ thể cho đến ngày 2/3. Nếu thủ tướng cho dời lịch học thì chúng ta phải chủ động ở các tính huống khác nhau.

Điều quan trọng nhất là khả năng phát hiện và cách ly để điều trị, không được phép lơ là và chủ quan".