Tại địa chỉ số 66 Tân Thành, P.15, Q.5 có bãi xe khách, bên trong có hàng loạt xe khách Hãng Hùng Cường chạy tuyến bến xe Miền Tây - bến xe Hồng Ngự (Đồng Tháp) đậu. Phía ngoài có ba ôtô chạy qua lại trung chuyển khách từ nhà về bến.
Trong khi đó tại nhà chờ của nhà xe Hùng Cường, nhiều hành khách ngồi chờ xe Hùng Cường tới chở về quê.
Tại đường Phó Cơ Điều, Hãng xe Hảo chạy tuyến bến xe Miền Tây - bến xe Cà Mau cũng tấp nập đón trả khách. Tuyến đường Phó Cơ Điều nhỏ hẹp nên xe khách chắn gần nửa làn đường.
Tại gần giao lộ 3 Tháng 2 và Lê Đại Hành, P.15, Q.10, xe khách ra vào thường xuyên. Bên trong bãi có hàng loạt xe khách đậu trong bến. Mỗi khi xe khách chạy từ bến ra, giao thông trên đường 3 Tháng 2 kẹt xe kéo dài.
Thuận tiện, giảm thời gian
Chị Nguyễn Thị Tiên, ngụ Q.5 (quê huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), cho biết rất ít khi ra bến xe Miền Tây bắt xe về quê do hiện nhiều hãng xe có dịch vụ đưa rước tận nơi, giảm thời gian phải đi lại hay phải chờ đợi xe ở Bến xe Miền Tây.
“Mỗi khi về quê, tôi gọi điện cho hãng xe MT ở Q.5 đặt chỗ trước. Sau đó, tôi chỉ cần chạy qua mua vé và lên xe về. Bữa nào ở xa thì gọi điện họ tới tận nơi rước về bến” - chị Tiên cho biết.
Thuận tiện đi lại là ý kiến của đa số người dân đang đợi xe tại tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám (Q.1). Chị Tâm - hành khách đang đợi xe của hãng HC để về Hòn Rơm (Phan Thiết) - cho biết ra đây mua vé và lên xe sẽ tiện đường.
“Tôi từ Tây Ninh lên đây, từ đây đi thẳng ra Phan Thiết tiết kiệm được quãng đường, thời gian. Tôi ngại vô bến xe vì quá xô bồ” - chị Tâm nói.
Lý giải việc xe đậu ở ngoài bến tư nhân, chủ xe khách Hoàng Long có xe chạy tuyến Sài Gòn - Đắk Nông cho rằng có nhiều lý do để nhà xe bỏ bến xe Miền Đông hay bến xe Miền Tây.
Lý do đầu tiên là xe khách đậu ở ngoài bến nhỏ sẽ tạo điều kiện cho khách đi xe. Đối với những khách có nhu cầu xuống bến, xe sẽ thả khách xuống bến, còn những nơi nào cần thì xe khách sẽ trung chuyển về tận nơi.
Vì sao 1.000 xe “biến mất”?
Theo ông Thượng Thanh Hải - phó giám đốc bến xe Miền Đông, hiện nay bến còn hơn 3.000 xe chở khách liên tỉnh, giảm hơn 1.000 xe so với năm 2010. Lượng xe giảm đã kéo theo sản lượng khách đến bến xe giảm bình quân 5%/năm.
Theo đó, lượng hành khách đến bến xe trong năm 2010 từ 24.000 - 25.000 hành khách đến nay giảm chỉ còn 19.000 - 20.000 hành khách/ngày.
Việc giảm lượng khách đã làm giảm doanh thu các dịch vụ ăn uống, giải khát, dịch vụ giữ xe, bốc xếp. Siêu thị được bố trí ở tầng trên lầu của bến xe đã trả lại hơn 1/3 diện tích mặt bằng do doanh thu giảm.
Việc giảm hơn 1.000 xe chở khách ở bến xe Miền Đông do trong đó có những doanh nghiệp vận tải không còn hoạt động và rút tuyến xe ra khỏi bến. Cụ thể, cách nay hai năm bến xe mất tuyến đi Quảng Nam vì các doanh nghiệp đưa xe vào nội thành rước khách.
Các tuyến đi Nha Trang, Đà Lạt trước đây có nhiều doanh nghiệp đảm trách với vài chục xe xuất bến mỗi ngày, nay chỉ còn vài ba chiếc/ngày.
Ông Nguyễn Ngọc Thừa - tổng giám đốc bến xe Miền Đông - cho biết hiện nay các doanh nghiệp Phương Trang, Thành Bưởi... chỉ duy trì vài xe chạy tượng trưng trên các tuyến Đà Lạt, Nha Trang.
Trong khi đó, các doanh nghiệp này chủ yếu đón khách ở khu vực trung tâm TP.HCM là đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám (Q.1), Lê Hồng Phong (Q.10).
Nhiều doanh nghiệp khác như Hoa Mai, Thiên Phú, Toàn Thắng mở các điểm đón khách trên các đường ở Q.1 cũng làm giảm lượng khách đến bến xe Miền Đông.
“Cạnh tranh không bình đẳng”
Theo một phó tổng giám đốc Samco, việc các xe hợp đồng và du lịch lữ hành rước khách trong nội thành với hình thức trá hình chạy tuyến cố định là cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp ở bến xe, vì lợi thế rước khách trong nội thành thu hút hành khách đi xe nhiều hơn so với bến xe.
Hơn hai năm qua, Samco đã có nhiều văn bản kiến nghị UBND TP.HCM xử lý xe dù, bến cóc và UBND TP.HCM có chuyển về Sở GTVT xử lý nhưng tình hình vẫn không có chuyển biến gì mới.
Việc đưa xe vào trung tâm làm ảnh hưởng đến mật độ giao thông, ảnh hưởng áp lực giao thông trong nội thành, trong khi đó doanh nghiệp hoạt động ở hai bến xe lớn lại ế khách.
Trong khi đó, ông Trần Văn Phương - phó tổng giám đốc bến xe Miền Tây - cho biết cũng giống như ở bến xe Miền Đông, các doanh nghiệp chạy tuyến về các tỉnh miền Tây cũng “chân trong chân ngoài” với 60% đưa xe vào nội thành như đường Trần Phú, Sư Vạn Hạnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, chợ An Đông rước khách và trả khách.
Trong đó nhiều doanh nghiệp cũng có giấy phép kinh doanh hợp đồng và du lịch lữ hành.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức du lịch lữ hành nhộn nhịp đón khách ở trung tâm TP.HCM như Hoa Mai, Toàn Thắng, Kumho... (ảnh chụp chiều 9-11) - Ảnh: Quang Định |
Cần có quy định cụ thể
Theo ông Lê Hồng Việt - phó thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nhiều doanh nghiệp vận tải đưa xe vào nội thành với hình thức dịch vụ du lịch lữ hành, đây là một công đoạn trong dịch vụ tour du lịch, vận chuyển hành khách từ điểm đi tới điểm đến.
Các doanh nghiệp này hoạt động đúng quy định pháp luật, trong đó có đăng ký kinh doanh của ngành du lịch, vì vậy việc gọi các điểm đón khách trong nội ô này là “xe dù", "bến cóc” thì không đúng.
Ông Việt cũng cho rằng việc các doanh nghiệp lữ hành du lịch phục vụ hành khách tốt hơn so với doanh nghiệp ở bến xe và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhiều hành khách nên đã được khách lựa chọn. Thế nhưng việc lấy khách như vậy gây kẹt xe trên các đường phố thì sao?
Trả lời câu hỏi này, ông Việt cho biết các doanh nghiệp cũng có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Theo đó, thanh tra sở sẽ xử phạt những xe vi phạm ở những điểm có bảng báo hiệu giao thông cấm dừng, cấm đậu xe với lỗi vi phạm đậu đỗ trái quy định.
Theo ông Việt, rất khó xử phạt các doanh nghiệp này, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch lữ hành quốc tế. Do đó, các cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể việc địa điểm đón trả khách để các nhà xe có thể phục vụ khách tốt nhất nhưng không xảy ra ùn tắc giao thông.
Nguy cơ bến xe Miền Đông mới ế khách
Theo Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH một thành viên (Samco), dự án xây dựng bến xe Miền Đông mới ở Q.9 (TP.HCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương) có diện tích 16,03ha với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng.
Samco cho biết kế hoạch sẽ khởi công dự án này trong năm 2015 và dự kiến hoàn thành năm 2018 để vận hành đồng bộ với dự án tuyến metro số 1 Bến Thành (Q.1) - Suối Tiên (Q.9).
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Ngọc Thừa - tổng giám đốc bến xe Miền Đông, hiện nay bến xe Miền Đông ở Q.Bình Thạnh cận kề khu trung tâm mà còn ế khách do các hãng xe mở điểm rước khách trong nội thành.
Sắp tới, khi đưa vào sử dụng bến xe Miền Đông mới ở Suối Tiên (Q.9), nếu không có những biện pháp xử lý đúng thì bến xe mới này sẽ ế khách.
* Tiến sĩ PHẠM SANH (chuyên gia giao thông):
Xe không cần vô bến xe Miền Đông
Theo quan điểm của tôi, xe không cần phải vô bến xe Miền Đông. Những nhà xe lớn có bến bãi trong trung tâm, được Sở Giao thông vận tải cấp phép thì vào thẳng đó. Vừa lợi cho người đi, vừa lợi cho giao thông thành phố.
Những chiếc xe ấy đóng vai trò như một xe buýt, mà tuyến đường dài thì quá lợi chứ! Khách có lợi, tính về mặt giao thông góc độ nhà nước cũng lợi. Nếu tất cả xe đều về bến Miền Đông, khách ra vô nhốn nháo thêm. Trong bến, xe quá nhiều gây kẹt xe, ùn tắc.
Tuy nhiên, xe vô trong trung tâm mà không có chỗ đậu là dở. Tôi không ủng hộ xe đón khách dọc đường, không có giấy tờ xuất bến, không được cấp phép, đậu xe trên lòng lề đường... Lúc đó, nhiệm vụ là của thanh tra giao thông phải lo chuyện trật tự bến bãi
Theo Tuổi trẻ