Theo hồ sơ vụ án, CTCP lương thực Hậu Giang (Hậu Giang Food) có 3 cổ đông, trong đó Vinafood 2 chiếm 53,27% vốn, còn lại là của UBND tỉnh Hậu Giang và HTX dịch vụ nông nghiệp Vị Thanh.
Với cương vị là tổng giám đốc, tháng 8/2012, ông Hùng tự ý đàm phán, thỏa thuận và ký hợp đồng ngoại thương bán 100.000 tấn gạo các loại cho một công ty nước ngoài, giá trị hợp đồng gần 900 tỷ đồng, thời hạn giao hàng từ tháng 1 đến tháng 4/2013, thanh toán bằng hình thức trực tiếp hoặc mở L/C, không hủy ngang, hai bên sẽ thỏa thuận cho từng lô hàng.
Để thực hiện hợp đồng xuất khẩu, từ năm 2012 đến 2013, ông Hùng ký 12 hợp đồng mua gạo của Công ty TNHH XNK thương mại Võ Thị Thu Hà tại TP.HCM (Công ty Thu Hà) với số lượng gần 90.000 tấn gạo, tổng trị giá hơn 697 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó do đối tác nước ngoài vi phạm hợp đồng, không nhận lô hàng nên Hậu Giang Food thỏa thuận bán lại toàn bộ lô hàng đã mua cho Công ty Thu Hà với giá thấp hơn giá đã mua.
Đến thời hạn thanh toán, do không có tiền để trả nên Công ty Thu Hà thế chấp một số tài sản tại Đồng Tháp và Bình Dương trị giá trên 191 tỷ đồng. Sau đó, Công ty Thu Hà mất khả năng thanh toán nên đến nay Hậu Giang Food chỉ mới thu hồi được 9 thửa đất của công ty này thế chấp, trị giá hơn 42,28 tỷ đồng.
Năm 2014, sau khi tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra Chính phủ phát hiện Hậu Giang Food có nhiều vi phạm về quản lý trong kinh doanh, gây lỗ và thất thoát trên 233 tỷ đồng. Do vậy, Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra để làm rõ. Bước đầu cơ quan điều tra đã xác định, chỉ riêng việc sai phạm với lô hàng xuất khẩu gạo trên, ông Hùng đã tự ý đàm phán, ký hợp đồng ngoại thương với giá trị hàng hóa lớn là trái quy định, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Theo Báo Thanh Niên